Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết là một căn bệnh do virus gây ra ở người. Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra theo chu kỳ từ 3 – 5 năm một lần và nếu không được điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Việc bị muỗi mang mầm bệnh đốt là nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm, tuy nhiên chúng ta thường không biết muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết.

Tình hình nhiễm sốt xuất huyết ở Việt Nam diễn biến không ổn định nhưng thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết là từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng liên tục, từ 24.434 ca năm 2000 lên 105.370 ca năm 2009, đến năm 2011 là 69.680 ca. Trên 85% ca mắc và 90% ca tử vong do sốt xuất huyết xảy ra ở các tỉnh miền Nam Việt Nam. Khoảng 90% số ca tử vong do sốt xuất huyết là ở nhóm bệnh nhân dưới 15 tuổi.

Tuy chưa đạt nhiều thành công trong việc giảm số ca mắc sốt xuất huyết nhưng Việt Nam đã nỗ lực giảm được tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết. Từ năm 2005 đến nay tỷ lệ tử vong là dưới 1 ca/1.000 ca bệnh.

Đặc điểm nhận dạng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

Có lẽ bạn đã biết, sốt xuất huyết lây truyền do bị muỗi nhiễm bệnh đốt. Tuy nhiên, không phải loại muỗi nào cũng mang theo mầm bệnh trong người và cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh. Loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi thuộc chi aedes, phân bố rộng rãi ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cả muỗi đực và muỗi cái chi aedes đều cần sử dụng mật hoa để lấy năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, muỗi cái cần hút thêm máu như là một nguồn cung cấp protein cần thiết cho sự phát triển trứng của chúng. Trên thế giới, aedes aegypti là vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết chiếm ưu thế.

Ngoài ra, muỗi vằn châu Á (Asian tiger mosquito) có tên khoa học là aedes albopictus và các loài aedes khác cũng có thể truyền bệnh sốt xuất huyết với mức độ lây truyền khác nhau.

Muỗi aedes aegypti có kích thước nhỏ, dài khoảng 4 – 7mm, màu đen có những vệt trắng điển hình trên chân, bụng có khoang đen trắng rõ rệt nên thường được gọi là muỗi vằn. Đặc biệt, vùng ngực có các vảy trắng xếp thành hàng, trên lưng có hình chiếc đàn hai dây màu trắng.

Loài muỗi aedes đã thích nghi tốt với môi trường sống của con người, thường sinh sản trong các vũng nước tù đọng xung quanh nhà. Trứng của chúng thậm chí có thể tồn tại trong môi trường khô và nở ra sau khi tiếp xúc với nước. Thời gian phát triển của muỗi vằn aedes từ trứng cho đến khi thành bọ gậy trung bình là 7 ngày và từ bọ gậy thành muỗi trưởng thành chỉ mất khoảng 2 – 3 ngày. Muỗi cái chuyên đi hút máu người có thể sống từ 20 – 40 ngày.

Aedes aegypti là loại muỗi hút máu vào ban ngày, hoạt động mạnh nhất trong khoảng 2 giờ sau khi mặt trời mọc và vài giờ trước khi mặt trời lặn. Muỗi vằn thường trú ngụ trong nhà, trong tủ quần áo và những nơi tối tăm khác. Ở ngoài trời, chúng chỉ xuất hiện trong những nơi mát mẻ và có bóng râm. Muỗi vằn thường tấn công người từ bên dưới và phía sau như xung quanh bàn chân, mắt cá chân hay sau gáy.

Tuy nhiên, muỗi dễ bị tác động trong quá trình hút máu. Chúng thường di chuyển từ cá thể này sang một cá thể khác để hoàn tất “bữa ăn” của mình. Do đó, muỗi vằn trở thành vật trung gian truyền bệnh vô cùng nguy hiểm. Tất cả thành viên trong gia đình có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh trong khoảng 24 – 36 giờ do cùng một con muỗi đốt.

Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết?

Sau khi nhiễm virus từ muỗi, bệnh nhân trải qua thời gian ủ bệnh kéo dài 3–14 ngày (trung bình là 4–10 ngày).

Sau giai đoạn ủ bệnh, sốt xuất huyết bắt đầu bùng phát với giai đoạn đầu là sốt, biểu hiện những triệu chứng không đặc hiệu, giống như cảm cúm. Bệnh nhân thường sốt kéo dài từ 2 – 7 ngày, giảm dần khi virus sốt xuất huyết không còn trong máu. Người bệnh sẽ sốt cao (40ºC) và thường kèm theo ít nhất hai trong những triệu chứng sau đây:

  • Đau đầu
  • Nhức sau hốc mắt
  • Buồn nôn, nôn
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau mỏi cơ, xương hay khớp
  • Phát ban hoặc ngứa

Tiếp theo là giai đoạn sốt xuất huyết nặng (hay còn gọi là giai đoạn xuất huyết). Giai đoạn này thường xảy ra vào ngày thứ 3 – 7 sau khi bệnh khởi phát, đây là giai đoạn các biến chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện. Thân nhiệt có thể giảm xuống nhưng điều đó không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngược lại, chúng ta cần phải theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sau vì rất có thể bệnh sẽ tiến triển thành sốt xuất huyết nặng:

  • Đau bụng cấp
  • Nôn dai dẳng
  • Chảy máu chân răng
  • Nôn ra máu
  • Thở gấp
  • Mệt mỏi/bứt rứt

Khi nghi ngờ bệnh chuyển biến sang giai đoạn xuất huyết, người bệnh cần được đưa đến trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu vì có thể khiến:

  • Thoát huyết tương có thể dẫn đến sốc hay ứ dịch, kèm hoặc không kèm theo suy hô hấp
  • Xuất huyết nặng
  • Suy tạng nặng.

Sốc sốt xuất huyết nặng về cơ bản là sốt xuất huyết với tiến triển gây suy tuần hoàn, hạ huyết áp, huyết áp kẹt (hiệu số giữa huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu nhỏ hơn 20mmHg) và cuối cùng là sốc dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tử vong có thể diễn ra sau 8 – 24 giờ sau khi xuất hiện dấu hiệu suy tuần hoàn.

Cách phòng tránh muỗi đốt cho cả nhà

muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết
Phòng muỗi đốt mùa cao điểm để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà

Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ môi trường sinh sản, đẻ trứng của muỗi vằn hay còn gọi là giảm nguồn lây. Một khi số lượng trứng, lăng quăng và bọ gậy giảm sẽ giúp làm giảm số lượng muỗi trưởng thành, từ đó giảm mức độ lây truyền bệnh. Để làm được điều này, bạn có thể:

  • Ngăn ngừa muỗi tiếp xúc với môi trường đẻ trứng bằng cách quản lý và dọn dẹp những nơi thuận lợi cho muỗi sinh sản, chẳng hạn như các dụng cụ chứa nước mưa hoặc chứa nước sinh hoạt phải được đậy kín hoặc loại bỏ đúng cách
  • Chà rửa kỹ những thùng chứa nước ít nhất 1 lần/tuần để loại trừ trứng muỗi, tránh không để trứng/ấu trùng/nhộng phát triển thành muỗi trưởng thành
  • Xử lý chất thải đúng cách, loại bỏ những môi trường sống nhân tạo cho muỗi
  • Cho thêm muối hoặc thuốc diệt côn trùng thích hợp vào các thùng chứa nước ngoài trời
  • Có biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình như ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng thuốc diệt muỗi…
  • Kêu gọi mọi người cùng tham gia chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết
  • Sử dụng thuốc diệt côn trùng, diệt muỗi phun trong không khí trong thời điểm dịch bùng phát là một biện pháp kiểm soát vật trung gian truyền bệnh khẩn cấp
  • Phát hiện các biểu hiện lâm sàng và theo dõi người bệnh sốt xuất huyết sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết nặng.

Hy vọng với những thông tin được cung cấp trên đây, bạn sẽ biết được đặc điểm của vật trung gian truyền bệnh, muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết và những biện pháp để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

You may also like...