Bạn có biết màu sữa mẹ như thế nào là tốt?

Màu sữa mẹ như thế nào là tốt luôn là vấn đề được các bà mẹ quan tâm hàng đầu. Sữa mẹ thường có màu vàng, trắng, nâu hoặc nhuốm màu xanh. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy sữa mẹ có thể có những màu sắc khác.

Đối với nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thiết yếu để đảm bảo bé tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Có rất nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề về màu sữa mẹ. Màu sữa mẹ như thế nào là tốt? Hãy cùng Tracnghiemcuocsong theo dõi những chia sẻ dưới đây để có lời giải đáp cho vấn đề này nhé.

Tùy thuộc vào những gì bạn ăn, sữa mẹ sẽ có những màu sắc khác nhau. Thậm chí, đôi lúc sữa mẹ còn có màu nâu hoặc rỉ sét do có máu lẫn vào. Ngoài ra, màu sắc của sữa mẹ cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Không những vậy, nguồn dinh dưỡng này còn có thể thay đổi trong một ngày hoặc thậm chí trong cùng một lần cho bé bú. Chính điều này khiến nhiều bà mẹ cảm thấy băn khoăn không biết sữa mẹ nên có màu gì và màu gì là không bình thường.

Trong vài tuần đầu sau sinh, sữa mẹ có sự thay đổi nhanh chóng cả về thành phần, số lượng lẫn màu sắc

Màu sữa mẹ như thế nào là tốt?

Trong vài tuần đầu sau sinh, sữa mẹ có sự thay đổi nhanh chóng cả về thành phần, số lượng lẫn màu sắc. Dưới đây là những thay đổi bình thường về màu sắc của sữa mẹ theo giai đoạn.

Sữa non: Loại sữa này thường xuất hiện trong giai đoạn cuối của thai kỳ và vài ngày đầu tiên sau khi sinh con. Sữa non thường có màu vàng nhạt hoặc cam do trong sữa có chứa rất nhiều beta-carotene. Theo các chuyên gia, sữa non thường rất ít nhưng rất bổ dưỡng, chứa nhiều kháng thể, lợi khuẩn, nhiều tế bào miễn nhiễm và ít mỡ.

Sữa chuyển tiếp: Sau vài ngày tiết sữa non, lượng sữa mẹ tiết ra sẽ tăng lên và bắt đầu tạo ra sữa chuyển tiếp. Trong giai đoạn này, sữa mẹ có thể chuyển từ màu vàng sang màu trắng.

Sữa trưởng thành: Khoảng hai tuần sau sinh, sữa mẹ sẽ chuyển thành sữa trưởng thành. Lúc này màu sắc của sữa mẹ cũng sẽ có sự thay đổi:

  • Sữa đầu: là lượng sữa đầu tiên chảy ra trong mỗi lần cho bé bú. Loại sữa này sẽ lỏng, ít chất béo hơn và thường có màu xanh nhạt, xanh non hoặc ngả sang màu trắng trong.
  • Sữa cuối: Khi bạn tiếp tục cho bé bú, hàm lượng chất béo trong sữa sẽ tăng lên khiến cho màu của sữa mẹ đậm dần lên và chuyển sang màu trắng hoặc vàng đục.

Những màu sắc khác của sữa mẹ và tại sao sữa mẹ lại có màu sắc như vậy?

Mặc dù khi nhìn thấy sữa mẹ có những màu khác lạ bạn có thể bị sốc nhưng điều này khá là bình thường và không gây nguy hiểm

Một số loại thực phẩm, thảo dược, thực phẩm chức năng hoặc các loại thuốc có thể làm thay đổi màu sắc của sữa mẹ. Ngoài ra, chúng còn có thể ảnh hưởng đến màu sắc nước tiểu của cả bạn và bé. Mặc dù khi nhìn thấy sữa mẹ có những màu này bạn có thể bị sốc nhưng điều này khá là bình thường và không gây nguy hiểm. Dưới đây là một số màu sắc khác của sữa mẹ:

  • Sữa mẹ có màu xanh lá cây: Bạn có thể thấy sữa mẹ có màu xanh lá sau khi bạn ăn các loại thực phẩm có màu xanh đậm như rau xanh (rau chân vịt hoặc rong biển) hoặc một số loại thảo mộc.
  • Sữa mẹ màu hồng, cam và đỏ: Bạn có thể nhận thấy sữa mẹ có màu hồng, cam hoặc đỏ sau khi bạn ăn  các loại thực phẩm có những màu này như củ dền, cà rốt, gấc, uống soda cam hay các loại đồ uống trái cây có màu đỏ hoặc cam…
  • Sữa mẹ có màu nâu, màu rỉ sét: Nếu máu chảy vào ống dẫn sữa, sữa mẹ có thể có màu nâu, cam sẫm hoặc màu rỉ sét. Màu sắc này cũng có thể xuất hiện khi bạn bị nứt núm vú. Nếu thấy sữa mẹ có màu này, đừng hoảng sợ mà vứt bỏ sữa mẹ hoặc ngừng cho bé bú bởi một chút máu trong sữa mẹ sẽ không gây hại gì. Đa phần, các tình trạng này sẽ tự biến mất trong vài ngày. Nếu màu sắc này kéo dài hơn  một tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
  • Sữa mẹ có màu đen: Màu sắc này thường có liên quan đến việc sử dụng kháng sinh Minocin (minocycline). Việc sử dụng kháng sinh minocin trong thời gian cho con bú thường không được khuyến khích. Do đó, trong thời gian này, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào.  

Màu sữa mẹ như thế nào là tốt khi được bảo quản trong tủ lạnh hoặc tủ đông?

Khi bạn vắt sữa ra và bảo quản trong tủ lạnh, màu sắc của sữa mẹ có thể thay đổi. Khi bảo quản trong tủ lạnh, sữa mẹ có thể tách thành hai lớp: một lớp kem dày, màu trắng hoặc màu vàng ở trên và lớp mỏng hơn có màu xanh nhạt ở phía dưới. Nếu nhìn thấy sữa mẹ có tình trạng này, bạn đừng nghĩ là sữa bị hỏng. Lúc sử dụng, bạn chỉ cần trộn đều 2 lớp bằng cách lắc nhẹ bình sữa. Nếu bảo quản sữa mẹ trong tủ đông, sữa có thể có màu vàng.

Khi nào đi khám?

Đa phần, màu sắc của sữa mẹ thay đổi là do thực phẩm mà bạn đã ăn trong ngày và điều này không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cảm thấy lo về màu sắc của sữa mẹ, hãy đến gặp bác sĩ để lắng nghe những lời khuyên tốt nhất.

Làm thế nào để cải thiện chất lượng sữa mẹ?

Bạn có thể cải thiện chất lượng sữa mẹ bằng cách áp dụng một số bí quyết sau:

  • Xây dựng chế độ ăn cân bằng, dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm. Sau sinh, bạn nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm giàu sắt, canxi và những thực phẩm giúp mát sữa như nước cà rốt, gạo lứt… Ngoài ra, bạn nên tránh ăn những món ăn cay nóng, có gia vị nặng mùi
  • Bạn có thể ăn các loại thực phẩm giúp tăng tiết sữa để bé yêu có nguồn dinh dưỡng dồi dào
  • Duy trì tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng để giúp sữa về ổn định.
  • Dành nhiều thời gian cho bé
  • Tăng cường cho bé bú mẹ và bú đúng cách. Nếu đi làm và phải xa bé cả ngày, bạn hãy vắt sữa, trữ sữa đúng cách, cho bé bú đêm để con yêu được hưởng nguồn dinh dưỡng quý giá này. 

Nếu đây là lần đầu tiên bạn cho con bú, bạn có thể cảm thấy hoang mang về điều này. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng bởi phần lớn nguyên nhân là do các loại thực phẩm mà bạn ăn trong ngày và thường không gây nguy hiểm gì cho bé. 

You may also like...