Cách chữa nói lắp ở trẻ em
Nói lắp không phải là trường hợp hiếm gặp ở trẻ trong giai đoạn từ 2-5 tuổi. Đây là thời điểm quan trọng của quá trình phát triển ngôn ngữ.
Nói lắp có thể kéo dài trong một vài tuần hoặc một vài tháng. Hầu hết các trường hợp nói lắp đều tự khỏi khi trẻ bước qua giai đoạn này. Dù vậy, nó cũng có thể trở thành mãn tính nếu phụ huynh không có đủ kiến thức để giúp con vượt qua giai đoạn này.
Trước tiên, chúng ta cùng tìm hiểu nói lắp là gì?
Nói lắp là chứng rối loạn ngôn ngữ tạm thời hoặc mãn tính. Nó xảy ra khi lời nói bình thường bị gián đoạn bởi sự lặp lại của một từ ngữ và kéo dài thời gian hoàn thành ở một câu nói. Đôi khi, tình trạng nói lắp trở nên nặng hơn khi trẻ căng thẳng hoặc trình bày ý kiến trước đám đông.
Nguyên nhân khiến trẻ nói lắp
Đến nay, các chuyên gia về trẻ em đều chưa thể xác định chắc chắn nguyên nhân khiến trẻ nói lắp là gì. Hầu hết đều tin rằng nó bị ảnh hưởng từ một loạt các yếu tố như:
Di truyền: Đa số chuyên gia đồng ý rằng nói lắp có tính di truyền. Theo thống kê, có khoảng 60% người nói lắp sống trong những gia đình cũng có người nói lắp như bố, mẹ hoặc người có mối quan hệ ruột thịt khác.
Quá trình phát triển: Nhiều trẻ bắt đầu nói lắp khi bước vào giai đoạn từ 18 tháng đến 5 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ ở trẻ em. Trong giai đoạn này, nhiều khi trẻ chưa tìm được từ ngữ thích hợp để diễn đạt ý muốn của mình. Bạn cứ tưởng tượng khi mình đang đi trên một con đường thẳng nhưng lại gặp chướng ngại vật, bạn phải đi chậm hoặc dừng lại để tìm cách vượt qua chướng ngại vật ấy và đi tiếp. Trẻ nói lắp cũng giống như vậy. Hiện tượng nói lắp của trẻ trong giai đoạn này chỉ là tạm thời.
Yếu tố thần kinh: Đây là nguyên nhân khó hiểu nhất trong cả giới y khoa. Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng chức năng xử lý ngôn ngữ ở hệ thần kinh của những người nói lắp không giống với người nói chuyện bình thường. Chưa có bằng chứng khoa học nào cung cấp những lý giải thuyết phục nhất cho tình trạng này.
Trẻ nói lắp: khi nào nên can thiệp?
Làm thế nào để bạn biết được hiện tượng nói lắp ở trẻ chỉ là tạm thời hay có thể trở thành mãn tính và cần được can thiệp? Bạn có thể theo dõi những yếu tố sau để có sự hình dung rõ nét nhất về mức độ nghiêm trọng trong tình trạng rối loạn ngôn ngữ của con mình.
Gia đình: Nếu trong nhà bạn có một hoặc nhiều thành viên nói lắp ở tuổi trưởng thành thì đứa trẻ của bạn cũng có thể nói lắp mãn tính. Vì nó có liên quan đến yếu tố di truyền.
Độ tuổi: Tình trạng nói lắp xảy ra trước khi trẻ được 3 tuổi có thể làm triệu chứng này trở nên nghiêm trọng hơn về sau.
Thời gian nói lắp kéo dài hơn bình thường: Nếu tật nói lắp ở trẻ kéo dài hơn 6 tháng thì rất có thể bạn cần phải có sự can thiệp để tìm cách chữa nói lắp cho trẻ.
Giới tính: Bé trai có nguy cơ nói lắp mãn tính cao hơn bé gái từ 3-4 lần.
Khiếm khuyết ngôn ngữ: Nếu con của bạn có những vấn đề trong quá trình nghe – hiểu và truyền đạt thông tin thì có nhiều khả năng trẻ sẽ nói lắp nghiêm trọng hơn.
Cách chữa nói lắp ở trẻ em
Nhiều bậc cha mẹ không chú trọng tìm kiếm cách chữa nói lắp ở trẻ vì họ nghĩ với một đứa nhỏ thì điều đó không quan trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng nếu con bạn trên 3 tuổi và quá trình nói lắp của con kéo dài từ 3 – 6 tháng thì có lẽ bạn phải đặc biệt quan tâm đến điều này. Một bác sĩ hoặc người có chuyên môn trị liệu nói lắp sẽ giúp bạn xác định xem trường hợp nói lắp của con bạn có cần phải can thiệp hay không.
Ở những trường hợp cần can thiệp, cách chữa nói lắp được bác sĩ, chuyên gia hướng dẫn sẽ giúp trẻ hoàn toàn vượt qua trở ngại này. Cũng có những bé chỉ cải thiện được một phần nhưng dù kết quả có là gì chăng nữa thì sự can thiệp kịp thời sẽ thúc đẩy sự tự tin cho bé. Từ đó, bé được cải thiện kỹ năng nói của mình.
Nếu chuyên gia đánh giá trường hợp nói lắp ở trẻ không đáng ngại thì bạn hãy để bé giao tiếp tự nhiên. Thái độ phản ứng của ba mẹ cũng là một tác động lớn đến cách trẻ nói lắp. Nếu gặp phải phản ứng tiêu cực, trẻ có thể mất tự tin khi muốn thể hiện bản thân và muốn mọi người lắng nghe.
Bạn hãy tham khảo một số mẹo chữa nói lắp sau để cùng con nhanh chóng vượt qua giai đoạn này nhé:
♥ Cố gắng nói chậm rãi và bình tĩnh khi giao tiếp với con. Khuyến khích những người lớn khác trong gia đình cùng làm điều này giống bạn.
♥ Cố gắng duy trì bầu không khí yên tĩnh trong nhà khi trẻ đang nói chuyện.
♥ Chú ý vào điều trẻ muốn nói chứ đừng tập trung quá nhiều vào cách trẻ nói ra những điều ấy như thế nào. Điều này đòi hỏi bạn phải thật sự chậm rãi, bình tĩnh và tập trung trong mọi cuộc giao tiếp với con. Đừng thể hiện sự mất kiên nhẫn hay tức giận của bạn khi con đang nói lắp.
♥ Đừng đưa ra những câu mệnh lệnh như: “Chậm lại” hoặc “Con nói lại câu đó đi” khi trẻ đang nói chuyện.
♥ Giảm thiểu tối đa việc đặt câu hỏi giữa chừng hoặc làm gián đoạn mạch câu chuyện trẻ đang muốn truyền đạt.
♥ Vờ như không bao giờ chú ý đến tật nói lắp của trẻ. Đặc biệt, bạn và những người thân trong nhà đừng cố nhại lại cách trẻ nói lắp chỉ để đùa giỡn.
♥ Cố gắng dành thời gian cho trẻ để nói về những câu chuyện thường ngày. Khuyến khích trẻ kể chuyện về khoảng thời gian trẻ ở trường hoặc chơi cùng các bạn.
Trẻ nói lắp không gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất nhưng về lâu dài, nếu triệu chứng này trở thành mãn tính sẽ khiến trẻ cảm thấy mất tự tin khi giao tiếp. Nếu bạn biết cách chữa nói lắp cho trẻ theo đúng hướng dẫn khoa học, có thể bạn sẽ giúp con nhanh chóng vượt qua giai đoạn này trong vô thức. Điều quan trọng là hãy kiên nhẫn lắng nghe và khuyến khích con nói chuyện theo cách tự nhiên nhất.