Có phải trẻ soi gương nhiều sẽ chậm nói?

Có một kinh nghiệm được truyền lại là bé soi gương sẽ bị chậm nói, nói lắp hay chậm mọc răng. Chính vì thế, nhiều bố mẹ cũng tránh việc cho con tiếp xúc với gương nhưng không hề hay biết mình đã hạn chế con phát triển kỹ năng của chính mình.

Soi gương giúp bé phát triển NHẬN THỨC bản thân

Ở thời điểm bé khoảng 3,5 tháng tuổi, bé có thể nhận biết được đường nét khuôn mặt của người đối diện. Việc cho bé soi gương giúp bé nhận diện được những đường nét khuôn mặt phản chiếu lại qua tấm gương. Bé có thể sẽ thấy được cánh tay, chân hay bụng của mình một cách không chủ đích khi chơi trước gương. Chính điều này sẽ giúp bé hình thành nhận thức về cơ thể hoàn chỉnh của mình.

Soi gương giúp bé phát triển NGÔN NGỮ

Nếu như quan niệm dân gian cho rằng soi gương sẽ làm cho trẻ chậm nói thì nghiên cứu khoa học về giáo dục sớm đã cho thấy điều trái ngược. Cho trẻ soi gương từ sớm kích thích khả năng ngôn ngữ của trẻ. Khi thấy hình ảnh của mình trong gương, bé chưa nhận ra đó chính là mình mà chỉ nghĩ là một em bé nào đó. Bé có xu hướng cười, giơ tay chạm vào gương hay ê a nói chuyện như đáp lại hình ảnh của mình phản chiếu lại. Đây chính là nền tảng ban đầu của những giao tiếp xã hội thông thường.

Chính vì vậy, việc cho bé soi gương hàng ngày kích thích khả năng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Soi gương đúng cách và hiệu quả là như thế nào?

Có rất nhiều cách cho trẻ chơi với gương để phát triển kỹ năng cho con. Bố mẹ cùng tham khảo các trò chơi dưới đây nhé!

– Đối với bé 3,5 – 6 tháng tuổi: Bố mẹ bế con trong lòng hoặc cho bé lẫy hoặc ngồi trước gương. Bé sẽ bị thu hút bởi hình ảnh phản chiếu của mình và vươn tay chạm vào mắt, má hay mũi người bạn trong gương. Bài tập này giúp bé phát triển lực vươn, cơ tay, hỗ trợ khả năng bò của bé sau này. Bố mẹ có thể tập hoạt động này cho con vài lần trong ngày.

Lưu ý: Nếu gương trong tầm tay bé, bố mẹ nên chọn các chất liệu an toàn như gương dẻo để tránh rủi ro gương bị vỡ gây nguy hiểm cho con.

– Đối với bé từ 6 tháng trở lên: Bố mẹ kể chuyện cho bé nghe khi ngồi trước gương. Bé sẽ dõi theo từng biểu cảm, hành động của bố mẹ trong gương để bắt chước. Giai đoạn này sẽ khó hơn một chút xíu cho bố mẹ khi chơi với bé, đó là bố mẹ cần thật sự biểu cảm và có hành động rõ ràng cho bé nhìn theo khi nghe chuyện nhé!

– Đối với trẻ từ 8-16 tháng: Bố mẹ giúp con nhận biết các bộ phận trên cơ thể mình bằng cách cho con soi gương. Song song với hoạt động này, bố mẹ cần chỉ cho con vị trí của từng bộ phận, miêu tả lại bộ phận đó cho con. Bé không chỉ phát triển được khả năng ghi nhớ hình ảnh mà con nâng cao tư duy ngôn ngữ khi được nghe bố mẹ miêu tả các bộ phận cơ thể.

Đặc biệt, mỗi khi con đến một nơi nào đó lạ, bố mẹ có thể cho con soi gương hoặc nhìn vào tấm kính ở nơi đó, con sẽ thấy hình ảnh thân quen của mình và sẽ nhanh chóng có thể làm quen được với không gian mới đấy bố mẹ nhé!

Hi vọng với bài viết này, bố mẹ sẽ không còn lo lắng về việc con có bị chậm nói khi soi gương hay không. Hãy áp dụng các kiến thức khoa học một cách linh hoạt và sáng tạo để con có thể phát triển được tốt nhất, bố mẹ nhé!


You may also like...