Khi nào nên cho trẻ chuyển từ ăn cháo sang ăn cơm?

Thời điểm để trẻ chuyển từ ăn cháo sang ăn cơm ở mỗi đứa trẻ hoàn toàn khác nhau. Cha mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết lúc nào con mình đã sẵn sàng cho việc ăn cơm.

Khi nào nên cho trẻ chuyển từ ăn cháo sang ăn cơm?

Theo khuyến cáo từ các bác sĩ nhi khoa, trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi bắt đầu nên được giới thiệu chế độ ăn dặm đa dạng các thực phẩm khác nhau với hình thức dạng lỏng như cháo. Sau đó, trong quá trình bé lớn lên, lượng thức ăn này nên được chuyển đổi theo các cấu trúc khác nhau từ loãng sang đặc rồi đặc hơn rồi đến dạng rắn.

Trẻ sơ sinh trên 6 tháng tuổi bắt đầu nên được giới thiệu chế độ ăn dặm đa dạng các thực phẩm khác nhau với hình thức dạng lỏng như cháo

Đến một giai đoạn nhất định, cha mẹ nên tập cho trẻ ăn cơm thay cháo.

Trước tiên, mẹ cần biết khi nào cho trẻ ăn cơm là tốt nhất. Bởi việc cho trẻ ăn cơm đúng thời điểm sẽ không ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cơ hàm và việc tập nhai.

Theo các bác sĩ, sau 19 tháng tuổi, mẹ có thể cho trẻ tập ăn cơm vì lúc này trẻ đã mọc ít nhất 16 răng sữa và làm quen được với cơm nhão tán nhuyễn.

Tiếp đến 24 tuổi, mẹ có thể cho trẻ ăn cơm mềm vì trẻ đã mọc được khoảng 20 răng.

Như vậy, mẹ có thể bắt đầu cho trẻ tập ăn cơm nhão tới mềm, cứng khi trẻ từ 18 – 24 tháng bé có thể ăn 3 bữa mỗi ngày. Mẹ cũng có thể linh hoạt bữa cơm, bữa cháo đặc để trẻ không cảm thấy ngán khi ăn.

Cách tập cho bé ăn cơm hiệu quả

Nếu trẻ đã bước qua giai đoạn ăn cháo mẹ nên tập cho con ăn cơm để phát triển cơ hàm cũng như cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Bước đầu tập ăn cơm, mẹ không nên đột ngột thay cháo bằng cơm toàn bộ mà vẫn nên duy trì cháo. Ban đầu trẻ có thể chỉ ăn được 1-2 muỗng cơm, còn lại sẽ ăn cháo. Sau đó dần dần mẹ tăng lượng cơm lên một chút và giảm cháo đi. Một mẹo nhỏ là nên cho trẻ ăn cơm khi trẻ còn đói cùng với ít thức ăn xắt nhỏ. Khi mới tập ăn cơm, một số trẻ thích ăn cơm với nước canh thì mẹ cũng nên chiều ý.

Nên chọn chén dành loại nhựa tốt, có hình con vật ngộ nghĩnh dễ thương để trẻ thích thú. Muỗng chọn loại vừa với miệng trẻ, không nhỏ quá cũng không lớn quá. Nên có những bữa ăn như phở, mì, nui, miến, bún… thay cho cơm để tránh nhàm chán. Và nên để trẻ tự múc ăn vì trẻ sẽ rất thích khi được tự lập. Nếu trẻ có làm rơi hoặc đổ thức ăn cũng không nên giận dữ la mắng. Hãy khen và dạy trẻ cách múc thức ăn sao cho gọn gàng.

Đặc biệt không nên múc một lúc quá nhiều cơm và thức ăn vào chén mà nên múc từng ít một để khi trẻ ăn hết và xin thêm thì ba mẹ có dịp khen để khuyến khích trẻ.

Thức ăn nấu cho trẻ vẫn phải đảm bảo 4 nhóm chất. Nên có ít nhất là 2 món: 1 món canh và 1 món mặn hoặc xào. Thức ăn cần nấu chín kỹ, mềm và xắt miếng nhỏ để trẻ nhai được như thịt băm hay đậu phụ sốt cà chua, cá kho…

Cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn để trẻ có đủ dinh dưỡng và quen ăn đa dạng các loại thực phẩm. Thường xuyên thay đổi thức ăn cho trẻ theo bữa ăn, theo ngày, theo mùa.

Có thể chế biến một số thức ăn mà trẻ thích, dễ ăn để cho trẻ ăn kèm như ruốc thịt (cần làm loại ruốc nhỏ thường gọi là ruốc vừng), muối vừng…

Sau bữa ăn cần cho trẻ ăn tráng miệng hoa quả chín.

Trước giờ ăn của bé các mẹ không nên cho bé ăn bánh, kẹo hoặc uống sữa vì đường ngọt làm cho bé có cảm giác nó giả tạo nên tình trạng biếng ăn. Bên cạnh đó, lượng đường trong bánh kẹo sẽ tạo thành axit có hại cho men răng. Chỉ cho bé ăn bánh và uống sữa trong các bữa ăn xế hoặc sau khi ăn.

You may also like...