Làm thế nào để xóa bỏ khoảng cách giữa cha mẹ và con cái?

Trong những năm trở lại đây, vấn đề chênh lêch khoảng cách thế hệ ngày càng trở nên gay gắt. Người ta thường vin vào cớ sự gia tăng và phát triển vũ bão của công nghệ và thiết bị điện tử đã vô hình chung kéo con cái ra xa bố mẹ mà quên mất rằng, đôi khi những xung đột, bất đồng, thiếu sự thấu hiểu trong cuộc sống hằng ngày đang dần dần làm đứt gãy sợi dây liên kết thế hệ.

Càng lớn, trẻ càng có xu hướng tách ra khỏi bố mẹ. Nhìn từ khía cạnh tự nhiên, khi trẻ có thêm những người bạn mới, việc ra ngoài với bạn bè trở thành một nhu cầu cho sự phát triển để các em trưởng thành hơn. Thông qua bạn bè các em được học cách hòa nhập trong một nhóm trong xã hội. Và đây cũng là sự phát triển tất yếu của bất cứ một đứa trẻ nào trên thế giới.

Xét về tâm lý cá nhân, trẻ khi này đã có những nhận thức riêng và đôi khi con cũng muốn ngồi một mình và thông qua việc này, các em có cơ hội định hình nhân cách riêng cho mình. Nếu các em được định hướng tốt, thì các em sẽ tham gia nhóm bạn lành mạnh, các hoạt động tích cực, nếu không thì ngược lại và hình thành cho mình những giá trị lệch lạc về sau.

Về mặt quan hệ gia đình, có lẽ đây là điều đáng bàn hơn cả. Ở mỗi lứa tuổi, con cá sẽ có những suy nghĩ riêng và đều có mong muốn thiết lập thế giới quan mà các em cho là đúng đắn. Để khẳng định màu sắc riêng của mình, tâm trí các em bắt đầu xây dựng những hình ảnh, giá trị dựa trên gia đình, bạn bè hay ở bên ngoài mà các em thấy và thích trở thành. Thật không may khi những chuẩn mực này đôi khi nếu không muốn nói là thường xuyên vấp phải sự không đồng tình, cẩm cản của người lớn. Dần dần, trẻ ngày càng ít trao đổi, nói chuyện với cha mẹ mà thay vào đó đi tìm những người bạn ở bên ngoài – những người cùng giá trị, quan điểm, cách nhìn với mình. Nhóm bạn ở độ tuổi này rất quan trọng với các em, nó giống như xã hội thu nhỏ, nơi các em tìm thấy được sự đồng điệu, sự đồng ý.

Nhìn chung, vấn đề khoảng cách giữa cha mẹ và con cái thì không có đúng – sai mà chỉ tồn tại duy nhất sự khác biệt. Để thu hợp khoảng cách thế hệ, các phụ huynh cần lắm sự kiên nhẫn và chờ đợi phản hồi từ phỉa trẻ.

Tôn trọng suy nghĩ của con. Đây là điều hết sức quan trọng. nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ con cái là của mình sinh ra, mình có quyền uốn nắn làm theo cái mình yêu cầu và mong mỏi, mà quên mất rằng con cũng là một chủ thể có suy nghĩ, bản sắc riêng và cũng có quyền có suy nghĩ khác biệt với suy nghĩ mà cha mẹ hướng tới cho con. Vậy nên tôn trọng suy nghĩ của con có nghĩa là lắng nghe những gì con nói về các vấn đề ở trường, bạn bè, hay thậm chí các mối quan hệ tình cảm mà con đang muốn có, thay vì ngăn chặn những suy nghĩ lệch lạc và cấm đoán, thì khuyến khích con đưa ra quan điểm, cách nhìn của mình về mọi thứ, qua đó chỉ ra cho con cái lệch lạc và cái chưa đúng để con hiểu.

Tránh dùng roi vọt để đe dọa. Người xưa vẫn thường khuyên dạy rằng: “Thương cho roi cho vọt”. Trong thời đại ngày nay, với nghĩa đen thì nó không hề đúng chút nào và còn chưa kể hết bao nhiêu hệ lụy tiêu mà nó gây ra cho trẻ, cho gia đình. hơn nữa, trong mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, cái Tôi của con bắt đầu hình thành. Các em rất nhạy cảm và dễ xúc động. Một cái tát cũng có thể khiến các em thấy tổn thương hoặc đòn roi quá nhiều cũng khiến các em lì lợm và quen đòn. Thậm chí khiến cho căng thẳng đẩy lên cao.

Cho trẻ không gian riêng. Cha mẹ có thể bắt đầu từ việc cho con ngủ riêng thay vì còn ngủ chung với cha mẹ. Tiếp nữa là không quá kiểm soát con. Rất nhiều cha mẹ nghĩ rằng, nhất là ở độ tuổi đang phát triển, trẻ phải phơi bày suy nghĩ của mình ra trước bố mẹ. Một phần bố mẹ lo sợ con có những suy nghĩ lệch lạc; một phần bố mẹ lại chưa bỏ được thói quen tỉ tê của trẻ với cha mẹ khi trẻ còn nhỏ. Điều đó là không nên. Đừng ép con nói ra nếu con không muốn.

Cho con được ra ngoài trải nghiệm. Thông qua các hoạt động, trẻ có cơ hội được khẳng định bản sắc riêng của mình, điều mà bất cứ đứa trẻ nào cũng khao khát đạt được. Ngoài ra, việc trải nghiệm cũng giúp trẻ tiếp thu được những kiến thức mới, kết thêm nhiều bạn và nếu được định hướng đúng đắn từ phía cha mẹ, trẻ sẽ có lối sống lành mạnh hơn. Bố mẹ haãy tạo cho con cơ hội để học ngoại khóa, thể chất, đi ra ngoài và đồng hành với con trong các hoạt động đó. Cũng đừng quá khắ khe việc con được chơi với vài người bạn và thậm chí mời bạn bè của con về nhà; ủng hộ và tâm sự nếu con có tình cảm với bạn khác giới để con chia sẻ với cha mẹ nhiều hơn.

Đặt câu hỏi cho con và lắng nghe. Giữa sự bộn bề của cong việc, nhiều bậc phụ huynh đánh mất dần sư kiên nhẫn với trẻ nhỏ. Nhưng để kết nối với con thì đây thực sự là điều quan trọng. Khi con không chịu nghe lời, hãy hỏi con: điều gì con không hài lòng? Điều gì con muốn thay đổi? Con muốn thay đổi nó như thế nào? Với thái độ lắng nghe thay vì tức giận, chắc chắn rằng căng thẳng giữa cha mẹ và trẻ sẽ được giải quyết nhanh chóng.


You may also like...