Tác hại của tia UV: Cơn ác mộng của làn da
Tác hại của tia UV không chỉ làm xấu da mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe khác như tổn thương mắt, cháy nắng, ung thư da… Làm sao bạn có thể ngăn ngừa cơn ác mộng này để bảo vệ làn da khỏe đẹp đây?
Bạn hãy cùng tìm hiểu tia UV là gì, các tác hại của tia UV và cách phòng ngừa tia UV nhé!
Tia UV là gì?
Bức xạ tức là sự phát xạ năng lượng từ bất kỳ nguồn cung cấp nào. Có nhiều loại bức xạ từ bức xạ năng lượng rất cao (tần số cao) như tia X và tia gamma đến bức xạ năng lượng rất thấp (tần số thấp) như sóng vô tuyến (radio). Tia UV nằm ở giữa phổ điện từ này, có nhiều năng lượng hơn ánh sáng nhìn thấy, nhưng không nhiều bằng tia X.
Tia UV năng lượng cao là một dạng bức xạ ion hóa, có nghĩa là bức xạ có đủ năng lượng để loại bỏ electron ra khỏi một nguyên tử hoặc phân tử. Sự bức xạ ion hóa có thể làm hỏng DNA (gene) trong các tế bào, từ đó làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư. Tuy nhiên ngay cả những tia UV năng lượng cao nhất cũng không có đủ năng lượng để có thể thâm nhập sâu vào bên trong cơ thể, vì vậy tác động chính của tia UV là trên da.
Bức xạ tia UV được chia thành 3 nhóm chính:
• Tia UVA (bước sóng 320 – 400nm): Là tia có năng lượng thấp nhất trong số các tia UV. Những tia này có thể khiến các tế bào da bị lão hóa và gây ra một số thiệt hại gián tiếp cho các tế bào DNA. Tia UVA chủ yếu làm tổn thương da lâu dài như nếp nhăn và cũng có thể gây ra một số bệnh ung thư da.
• Tia UVB (bước sóng 290 – 320nm): Có năng lượng cao hơn tia UVA. Tia UVB có thể làm hỏng trực tiếp DNA trong các tế bào da và là nguyên nhân chính gây ra cháy nắng. Chúng cũng được cho là yếu tố gây ra hầu hết các bệnh ung thư da.
• Tia UVC (bước sóng 100 – 290nm): Có nhiều năng lượng hơn các loại tia UV khác. Điều may mắn là tia UVC phản ứng với tầng ozone trong bầu khí quyển và không thể chạm tới mặt đất, do đó chúng thường không phải là một yếu tố nguy cơ gây ung thư da. Tia UVC có thể đến từ một số nguồn nhân tạo như đèn hàn hồ quang, đèn thủy ngân, bóng đèn khử trùng UV (được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng khác trong nước, không khí, thực phẩm…).
Môi trường ngày càng bị ô nhiễm và hiệu ứng nhà kính khiến cho tầng ozone bị tổn hại nghiêm trọng, do đó bạn cần hiểu rõ hơn về tác hại của tia UV để phòng ngừa.
Tác hại của tia UV
Tia UV có thể gây ra 5 tác hại trên cơ thể bao gồm:
1. Tác hại của tia UV gây ung thư da
Tia UV là tác nhân gây ung thư nổi bật và phổ biến trong môi trường. Tình trạng tiếp xúc quá lâu với ánh sáng mặt trời có khả năng gây ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và khối u ác tính. Nghiên cứu cho thấy rằng có đến 90% người bệnh ung thư da là do bức xạ UV.
Dấu hiệu ung thư da có thể đa dạng tùy vào loại bệnh ung thư da mà người bệnh mắc phải như:
- Xuất hiện nốt ruồi bất thường
- Có mụn cứng, màu vàng trên mí mắt
- Có u nhỏ màu đỏ như thịt tươi hoặc tím bầm
- Có nốt u tròn như hạt ngọc, trong mờ như sáp
- Tổn thương phẳng với bề mặt thô ráp, đóng vảy
- Xuất hiện mảng, đốm lớn màu đỏ hoặc tím trên da
- Xuất hiện những mảng da sần sùi, thô ráp, đóng vảy
- Vùng da tổn thương có màu đỏ, chạm vào thấy chắc, rắn
- Tổn thương da có viền không rõ ràng màu đỏ, trắng, xanh hoặc xanh đen
- Có tổn thương có bề mặt bằng phẳng, màu đỏ hồng như thịt tươi hay nâu như sẹo trên da
2. Tác hại của tia UV gây cháy nắng
Cháy nắng là vết bỏng xảy ra khi các tế bào da bị tổn thương, tình trạng này là do da hấp thụ năng lượng từ tia UV. Lúc này, máu sẽ chảy thêm vào vùng da bị tổn thương để chữa lành. Đó là lý do tại sao da của bạn chuyển sang màu đỏ khi bị cháy nắng.
Bạn không nên chủ quan cho rằng cháy nắng chỉ là một vấn đề nhất thời, tình trạng này có thể trở nên bỏng rát nghiêm trọng. Thậm chí, tác hại của tia UV còn gây ra những hậu quả về lâu dài cho làn da như tạo nếp nhăn và ung thư da, thông qua sự tác động trực tiếp tới DNA của da.
3. Tia UV gây tổn thương hệ thống miễn dịch
Tình trạng tiếp xúc quá nhiều với bức xạ UV có tác dụng ức chế gây hại cho hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học cho rằng cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu ở người trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tình trạng này lặp đi lặp lại quá nhiều với bức xạ UV có thể gây ra tổn thương trầm trọng hơn cho hệ thống miễn dịch của cơ thể.
4. Tác hại của tia UV gây tổn thương mắt
Khi tiếp xúc lâu dài với tia cực tím hoặc cường độ cao của tia cực tím sẽ làm hỏng các mô, gây “bỏng” trên bề mặt mắt, được gọi là tuyết mù (snow blindness) hoặc viêm giác mạc ánh nắng (photokeratitis). Vào năm 1998, Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đã báo cáo rằng ngay cả lượng ánh sáng mặt trời thấp cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển tổn thương mắt như đục thủy tinh thể (nếu không được điều trị sẽ gây mù lòa), mộng thịt (pterygium) và mộng mỡ mắt (pinguecula).
Những tác hại của tia UV gây lên mắt có khả năng tích lũy, bạn càng tiếp xúc nhiều với ánh mặt trời thì mắt sẽ càng bị tổn thương trầm trọng.
5. Tác hại của tia UV gây lão hóa da
Tia cực tím có khả năng phá hủy collagen và mô liên kết bên dưới lớp trên cùng của da, gây ra nếp nhăn, đốm màu nâu và mất độ đàn hồi của da. Sự khác biệt giữa tone màu da, nếp nhăn hoặc sắc tố ở mặt dưới và mặt trên ở cùng một cánh tay cho thấy tác động của ánh nắng mặt trời lên da. Một làn da rám cháy nắng trông có thể ổn trong hiện tại, nhưng về sau làn da sẽ sớm nhăn nheo, hay thậm chí gây ung thư da.
Những tác hại của tia UV sẽ càng trầm trọng hơn nếu bạn chủ quan, bỏ lơ đi những tổn hại. Do đó, bạn cần biết cách phòng ngừa tác hại của tia UV sao cho hiệu quả để tránh những biến chứng có thể xảy ra.
Yếu tố tác động đến cường độ tia UV
Để phòng ngừa tác hại của tia UV, bạn cần hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến cường độ tia UV bao gồm:
• Độ cao: Ở nơi càng cao, tia UV càng mạnh.
• Thời điểm trong ngày: Tia UV phát năng lượng mạnh nhất trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
• Mùa trong năm: Tia UV mạnh hơn vào mùa xuân và mùa hè.
• Khoảng cách từ đường xích đạo: Vùng càng xa khu vực gần xích đạo trái đất, tác động của tia UV sẽ giảm dần.
• Độ che phủ của mây: Có những đám mây có thể làm giảm cường độ tia UV, nhưng cũng có đám mây có thể làm tăng năng lượng phát ra của tia UV.
• Tầng ozone: Tầng ozone trên bầu khí quyển có thể giúp lọc bớt tia UV.
Cách phòng ngừa tác hại của tia UV
Sau đây là một số biện pháp giúp bạn phòng ngừa tác hại của tia UV:
• Mặc quần áo dày: Bạn nên lựa chọn quần áo dày giảm bớt ánh sáng mặt trời. Bạn hãy thử đặt bàn tay dưới lớp áo hoặc quần và nguồn sáng, nếu bạn có thể nhìn thấy bàn tay mình qua lớp vải thì quần áo vẫn chưa đủ khả năng bảo vệ.
• Sử dụng kem chống nắng: Thói quen dùng kem chống nắng có thể giúp bạn chống lại tia UVA và UVB khỏi tổn thương da. Chỉ số SPF trong kem chống nắng chính là mức độ bảo vệ da khỏi các hư tổn do tia UVB gây nên, bạn hãy chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 15 trở lên.
Chỉ số SPF 15 có thể được hiểu rằng da của bạn nếu không được bảo vệ dưới ánh nắng mặt trời sẽ mất 20 phút để bắt đầu tấy đỏ. Khi bạn dùng kem chống nắng SPF 15, thời gian bị tấy đỏ sẽ lâu hơn 15 lần so với khi không dùng kem nghĩa là khoảng 5 tiếng.
• Che nắng khi đi ngoài trời: Nếu đi bộ ngoài trời, bạn nên có ô chống tia UV hoặc chiếc mũ rộng vành và đeo kính râm chống tia UV để bảo vệ cổ, tai, mắt, trán, mũi và da đầu. Khi đi xe máy, bạn nên mặc quần áo dài hoặc trang phục chống nắng.
• Chế độ ăn uống: Bạn tránh không nên ăn nhiều đồ chua, ngọt, dầu mỡ. Đồng thời, bạn nên bổ sung các loại rau giàu kali như rau mồng tơi, rau đay… Bạn cũng nên ăn các loại trái cây giàu vitamin như dâu, cam, táo, chuối… vừa tốt cho sức khỏe vừa bảo vệ làn da.
• Hạn chế tiếp xúc ánh nắng: Tia UV có cường độ mạnh nhất trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, bạn nên hạn chế ra ngoài thời điểm này. Nếu bạn không chắc chắn về cường độ ánh sáng của mặt trời, bạn hãy thực hiện bài kiểm tra bóng. Nếu bóng đen của bạn ngắn hơn người thì lúc này cường độ tia UV còn mạnh.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ tia UV là gì, các tác hại của tia UV và cách phòng ngừa chống tia UV. Bạn hãy nhớ những tổn hại cho tia UV có khả năng tích lũy, vì vậy bạn nên phòng ngừa càng sớm càng tốt để tránh cơn ác mộng của làn da nhé!