Thực hư công dụng của nấm linh chi được quảng cáo chữa bách bệnh

Ở Việt nam, rất nhiều bệnh nhân ung thư và cả người khỏe mạnh mua nấm linh chi về sử dụng thường xuyên như thần dược trị bách bệnh.

Nấm linh chi là dược liệu quý được dùng làm thuốc để chữa nhiều loại bệnh khác nhau. Mức giá của nấm linh chi khá đắt, khoảng 2-6 triệu đồng/kg. Ở Việt nam, rất nhiều bệnh nhân ung thư và cả người khỏe mạnh mua nấm linh chi về sử dụng thường xuyên như thần dược trị bách bệnh.

Vậy thực hư về lợi và hại khi sử dụng loại nấm đắt tiền này cho người bệnh ung thư là gì? Sự thật có đúng như lời đồn thổi từ các thông tin tràn lan trên thị trường hay không?

Dưới đây là bài viết của bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Kim Thương, Nhóm nghiên cứu Cơ và Xương, Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM), cộng tác viên Ruy Băng Tím về công dụng thực sự và khả năng chữa ung thư của loại nấm này. 

Related image

Nấm linh chi chữa được ung thư?

Nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma Lucidum thuộc họ nấm lim -Ganodermataceae do thường mọc ở gốc và thân của những cây gỗ lim đã chết. Người Trung quốc gọi nấm Ganoderma Lucidum là Ling Zhi. Ở Việt nam, nấm linh chi còn có các tên khác như tiên thảo, nấm trường thọ, vạn niên nhung.

Về mặt y học cổ truyền, nấm linh chi là thành phần quan trọng trong nền y học lâu đời của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Á khác. Nấm linh chi thường được sử dụng để tăng cường năng lượng, kích thích hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe.

Về mặt y học hiện đại, các thành phần có tác dụng chữa bệnh của nấm linh chi bao gồm Polysaccharides beta-glucan và Triterpenes. Hiện nay, có những nghiên cứu chiết xuất hai thành phần này của nấm linh chi dùng trị liệu ung thư trên mô hình tế bào nuôi cấy, động vật thí nghiệm và lâm sàng trên người.

Trước hết, hiệu quả điều trị ung thư của nấm linh chi được nghiên cứu trên tế bào ung thư đơn lẻ và các động vật trong phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy nấm linh chi có hiệu quả trong điều hòa miễn dịch, kháng viêm, bảo vệ tế bào gan, ngăn cản chu trình tế bào ung thư.

Related image

Một nghiên cứu khác trên tế bào ung thư tuyến tiền liệt cho thấy tác dụng ức chế yếu tố điều hòa quá trình tăng sinh mạch máu như TGF-β1, VEGF. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trên tế bào ung thư phổi. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu ghi nhận việc giảm các tác dụng phụ như nôn ói sau xạ trị trên chuột và tăng nhạy cảm của tế bào ung thư buồng trứng với Cisplatin – một loại thuốc dùng trong hóa trị.

Nghiên cứu công bố năm 2014 trên chuột cho thấy nấm linh chi có tác dụng trên tế bào ung thư vú thông qua sự ức chế các gen tiền di căn, xâm lấn. Như vậy, dựa trên các kết quả nghiên cứu trên động vật thí nghiệm và tế bào nuôi cấy, nấm linh chi có nhiều tác dụng tiềm năng trong ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

Tuy nhiên, nếu bạn đọc cảm thấy lấn cấn, “có cái gì đó chưa rõ ràng”, chìa khóa ở đây chính là chữ “tế bào” và “động vật thí nghiệm”. Tất cả nghiên cứu thành công được nhắc đến đều là trên tế bào nuôi cấy – tức một nhóm nhỏ được lấy ra khỏi cơ thể, khối u và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm hoặc trên động vật thí nghiệm.

Trong khi đó, cơ thể con người là một tập hợp của nghìn tỷ – chục triệu tỷ tế bào đang phối hợp hoạt động phức tạp hơn rất nhiều. Loài người có muôn vạn điều không giống với chuột hay các động vật khác, ngoài một số đặc tính tương đồng về sinh học.

Related image

Về tác dụng điều trị thực tế của nấm linh chi trên người có rất ít nghiên cứu lâm sàng. Bên cạnh số lượng, chất lượng nghiên cứu cũng là vấn đề bạn đọc thông thái cần quan tâm, trước khi vội tin bất cứ câu chữ “các nhà khoa học đã phát hiện” nào.

Ví dụ, trong số ít nghiên cứu về nấm linh chi về việc chữa ung thư trên người, các kết quả thu được vẫn chưa nêu đầy đủ thông tin ở một số khía cạnh. Một vài nghiên cứu lâm sàng tại Trung Quốc công bố kết quả tích cực. Tuy nhiên, những nghiên cứu này được cho là không đáng tin cậy vì có tiêu chuẩn chọn bệnh nhân và cách thức chiết xuất hoạt chất không được chuẩn hóa.

Hơn nữa, trong một bài khảo cứu tổng hợp thực hiện bởi Cochrane Collaboration vào năm 2012, chỉ có 5 nghiên cứu thỏa mãn các tiêu chí nhận vào. Tuy nhiên, vấn đề là thành phần các chất polysaccharide của nấm linh chi vẫn không được xác định rõ ràng trong các nghiên cứu này. Kết luận cuối cùng, các nhà nghiên cứu cho rằng không đủ dữ kiện để chứng minh tác dụng của thành phần các chất polysaccharide trong nấm linh chi khi dùng điều trị cho bệnh nhân ung thư. Với hoạt chất Triterpen có trong nấm linh chi, chưa có bằng chứng ủng hộ từ các nghiên cứu lâm sàng và làm rõ được các cơ chế sinh học phân tử có liên quan.

Trước nỗ lực nhằm đánh giá tác dụng chống ung thư của nấm linh chi khi kết hợp với hóa trị và xạ trị, một số nghiên cứu cho thấy kết quả khả quan, tuy nhiên phương pháp thực hiện còn tồn tại nhiều vấn đề :

– Các hoạt chất chiết xuất không được kiểm chứng bằng nghiên cứu lâm sàng.

– Kết quả đáp ứng điều trị chỉ thể hiện ở các thông số trong tế bào máu mà không phải kết quả cuối cùng như số lượng người sống và thời gian sống sau điều trị, có tái phát bệnh hay không.

– Thành phần hoạt chất từ nấm còn lẫn tạp chất dẫn đến gây nhiễu kết quả điều trị.

Các tác dụng phụ của nấm linh chi

Một vấn đề mà bạn đọc cũng nên quan tâm bên cạnh hiệu quả điều trị của một phương pháp hay loại thuốc nào đó là các tác dụng phụ của nó.

Nấm linh chi không chứa độc chất nhưng thực tế vẫn ghi nhận những trường hợp mắc các tác dụng không mong muốn hay xảy ra tương tác chéo giữa chúng khi dùng kèm các loại thuốc điều trị.

Điển hình là một bệnh nhân nữ 47 tuổi mắc tâm thần phân liệt đã bị viêm gan tối cấp sau 2 tháng dùng nấm linh chi viên con nhộng với liều 400 mg. Các kết quả điều tra ghi nhận do hoạt chất trong nấm linh chi gây viêm gan tối cấp trên bệnh nhân này. Một trường hợp khác ghi nhận việc dùng viên nén nấm linh chi dẫn đến tình trạng gầy yếu, chán ăn hoặc gây độc gan.

Related image

Trong một báo cáo khác, các tác giả công bố nấm linh chi có thể gây tiêu chảy mạn tính. Ngoài ra, các nghiên cứu về tương tác thuốc cũng được ghi nhận, chiết xuất từ nấm linh chi có thể ảnh hưởng đến nồng độ các loại thuốc cùng chuyển hóa qua men P450 tại gan bằng cách ức chế hoạt động của men này và giảm hiệu quả của thuốc hóa trị. Cũng bằng cơ chế này, chiết xuất từ linh chi gây tăng nguy cơ chảy máu khi dùng chung với các thuốc chống đông máu hay thuốc chống kết hợp tiểu cầu và làm giảm hiệu quả của thuốc ức chế miễn dịch.

Ở khía cạnh xét nghiệm, nấm linh chi cũng có thể làm sai lệch kết quả nồng độ chất chỉ dấu ung thư là CA72-4 (xét nghiệm giúp theo dõi đáp ứng điều trị ở bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa). Việc làm nhiễu kết quả xét nghiệm này gây khó khăn cho bác sĩ khi theo dõi bệnh nhân.

Tác dụng điều trị của nấm linh chi đang bị thổi phồng

Như vậy, tác dụng điều trị của nấm linh chi đang bị thổi phồng từ một số ít kết quả nghiên cứu, dù chúng chỉ tuyên bố thành công trên tế bào nuôi cấy hay động vật trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, một số nguồn tin thường mượn danh khoa học, giật tít mập mờ “các nhà khoa học đã chứng minh” để đăng tin tràn lan rằng nấm linh chi có thể trị khỏi ung thư, khơi gợi niềm tin vội vàng ở người đọc, dẫn đến chi tiền mua dùng vô tội vạ.

Related image

Các bằng chứng xác thực về tác dụng điều trị của nấm linh chi trên con người, dù là người khỏe mạnh hay người mắc bệnh ung thư, đều còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.

Vậy nên, trong khi chờ các tiến bộ xa hơn của khoa học chính thống, bạn đọc hãy sàng lọc thông tin bằng các cách đơn giản sau:

– Cẩn thận với từ “chiết xuất” hoặc tên gọi “nấm linh chi” một cách chung chung. Thay vào đó, hãy tìm xem tên hoạt chất (là thành phần chính có tác dụng tốt lên sức khỏe) là gì, liều lượng, cách thức chiết xuất… Nếu mượn danh khoa học nhưng không thể xác định chính xác hoạt chất, bạn sẽ muốn đặt câu hỏi cho nguồn tin.

– Khi tìm hiểu về tác dụng có lợi, bạn đọc cũng cần quan tâm đến tác dụng phụ và tương tác giữa các loại thuốc, thực phẩm chức năng với nhau. Bởi sự vật nào cũng có hai mặt, như đen với trắng, âm với dương. Quy luật này luôn đúng, trong cả y học cổ truyền hay y học hiện đại.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thương

You may also like...