Tỏi tây: Gia vị giúp bạn phòng ngừa bệnh ung thư
Tỏi tây còn có một số tên gọi khác được phiên âm từ chữ tiếng Pháp “poireau” là hành paro, hành baro hay hành boa rô. Loại cây này có vẻ ngoài khá giống hành lá nhưng to hơn gấp 3 – 4 lần cọng hành lá thông thường. Tỏi tây này cùng họ với hành tây, hành tím, tỏi, hành lá… Đây là một gia vị vừa tạo hương vị mới lạ cho món ăn vừa giúp bạn bảo vệ sức khỏe mỗi ngày.
Các tác dụng của tỏi tây
Tỏi tây là một trong những loại gia vị mà bạn nên thử bổ sung vào thực đơn hàng ngày để tăng cường các dưỡng chất và tận dụng nhiều lợi ích sức khỏe.
1. Bổ sung chất dinh dưỡng
Tỏi tây có nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết nhưng lại có hàm lượng calo thấp. Loại gia vị này rất giàu các tiền chất vitamin A, bao gồm beta carotene. Đây là những chất rất quan trọng đối với thị lực, chức năng miễn dịch, sinh sản và liên kết giữa các tế bào. Hành paro cũng là một nguồn vitamin K1 dồi dào rất cần thiết cho quá trình đông máu và sức khỏe của tim.
Hành paro cũng cung cấp nhiều mangan có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và cải thiện sức khỏe tuyến giáp. Ngoài ra, loại hành này còn cung cấp một lượng nhỏ đồng, vitamin B6, sắt và folate. Tuy nhiều dưỡng chất là thế nhưng trong 100g hành paro đã nấu chín chỉ có 31 calo.
2. Cung cấp chất chống oxy hóa
Tỏi tây chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là polyphenol và các hợp chất lưu huỳnh khác. Chất chống oxy hóa giúp bạn tránh được các tổn thương tế bào, từ đó góp giúp tránh các bệnh như tiểu đường, ung thư và bệnh tim. Loại thực vật này có chứa một chất chống oxy hóa là kaempferol có thể giúp bạn phòng chống bệnh tim và một số loại ung thư. Hành paro cũng có chứa allicin, một hợp chất lưu huỳnh thường thấy trong tỏi có tính kháng khuẩn, giảm cholesterol và phòng chống ung thư.
3. Giúp tăng sức khỏe tim mạch
Tương tự như hành tây và tỏi ta, tỏi tây cũng tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Chất kaempferol trong tỏi tây có đặc tính chống viêm, giúp giảm nguy cơ đau tim hoặc nguy cơ tử vong do bệnh tim. Hơn nữa, hành paro cũng là một nguồn allicin và các hợp chất thiosulfinate có lợi cho sức khỏe của tim. Đây là những chất giúp giảm cholesterol, huyết áp và hạn chế việc hình thành máu đông.
4. Hỗ trợ bạn giảm cân
Nhờ có ít calo, tỏi tây có thể hỗ trợ bạn thực hiện mục tiêu giảm cân dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, hành paro cũng chứa nhiều nước và chất xơ tốt nên sẽ giúp bạn ngăn cơn đói và no nhanh hơn. Điều này sẽ giúp bạn ăn ít hơn một cách tự nhiên mà vẫn không thấy đói. Các nhà khoa học cũng cho biết những ai ăn nhiều rau trong bữa ăn hơn có thể giảm cân dễ hơn và ít tăng cân lại hơn. Vậy nên, bạn có thể thêm hành paro vào bữa ăn để tăng lượng rau mình ăn mỗi ngày.
5. Giúp phòng bệnh ung thư
Chất kaempferol trong tỏi tây có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là ung thư. Một số nghiên cứu ống nghiệm cho thấy kaempferol có thể giúp phòng chống bệnh ung thư bằng cách giảm viêm, tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn các tế bào này di căn. Hợp chất allicin trong hành paro cũng có đặc tính chống ung thư tương tự.
Các nghiên cứu ở người cũng cho thấy những ai thường xuyên tiêu thụ các loại hành tỏi, kể cả hành paro, có thể giảm nguy cơ ung thư dạ dày tới 46%. Ngoài ra, các loại hành tỏi cũng có thể giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
6. Cải thiện hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Hành paro có thể giúp bạn cải thiện hệ tiêu hóa vì đây là một nguồn cung cấp chất xơ hòa tan rất cần thiết để giữ đường ruột khỏe mạnh. Đặc biệt, loại hành này cũng có prebiotic có khả năng tạo ra các axit béo chuỗi ngắn như acetate, propionate và butyrate. Những chất này có thể giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe đường ruột. Hơn nữa, các nghiên cứu còn cho thấy chế độ ăn giàu prebiotic có thể hỗ trợ cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng. Điều này giúp bạn tăng cường sức khỏe tổng thể.
Ngoài các tác dụng như phòng ung thư hay giúp giảm cân, các chất dinh dưỡng trong hành paro còn có thể giúp bạn giảm lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, hành paro cũng có thể bảo vệ não khỏi sự suy giảm thần kinh và các bệnh liên quan đến tuổi tác. Một số nghiên cứu trên động vật còn cho thấy kaempferol trong loại cây này có thể giúp chống các chứng nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và nấm men.