Tróc da đầu ngón tay, khám ngay nếu tự chữa không khỏi!
Bạn có thể tự tìm cách chữa tróc da đầu ngón tay tại nhà bằng các nguyên liệu như mật ong, lô hội, dầu dừa… Nếu nguyên nhân gây tróc da là do bệnh lý da liễu thì bạn nên tìm đến bác sĩ để có liệu pháp chữa trị hiệu quả.
Nguyên nhân gây tróc da đầu ngón tay
Đôi khi tình trạng đầu ngón tay bị tróc da không phải do các nguyên nhân nguy hiểm nhưng cũng có một số trường hợp thì đây là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe.
1. Tróc da do da khô
Đôi khi da đầu ngón tay nứt nẻ chảy máu do bị quá khô. Tình trạng da khô thường phổ biến hơn trong những tháng mùa đông khi khí hậu hanh khô. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dễ bị khô da hơn nếu hay tắm bằng nước nóng. Các thành phần hóa học quá mạnh trong xà phòng hoặc các dung dịch vệ sinh khác cũng có thể góp phần gây khô da.
Các triệu chứng khô da khác bên cạnh tróc da đầu ngón tay có thể là:
- Ngứa
- Da bị nứt
- Da bị căng
- Da bị đỏ hoặc sạm màu
2. Tróc da do rửa tay quá nhiều
Thói quen rửa tay quá mức có thể dẫn đến nứt và tróc da đầu ngón tay. Đặc biệt nếu bạn rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, hóa chất có thể làm mòn lớp lipid trên bề mặt da. Điều này có thể khiến xà phòng ảnh hưởng tới các lớp da nhạy cảm hơn bên dưới, dẫn đến kích ứng và bong tróc. Tình hình sẽ nặng hơn nếu bạn dùng nước nóng rửa tay, không dưỡng ẩm cho tay sau khi rửa và sử dụng khăn giấy có hóa chất gây kích ứng da để lau tay.
3. Tróc da do hóa chất mạnh
Một số hóa chất trong kem dưỡng ẩm, xà phòng, dầu gội và các sản phẩm làm đẹp khác có thể gây kích ứng da và dẫn đến tình trạng tróc da ở đầu ngón tay. Các chất hóa học phổ biến có thể gây kích ứng da bao gồm:
- Chất tạo hương
- Isothiazolinone
- Cocamidopropyl betaine
- Các loại thuốc bôi kháng khuẩn
- Các chất bảo quản như formaldehyd
Bạn có thể không bị kích ứng với tất cả các hóa chất kể trên. Vậy nên nếu bạn đi khám, bác sĩ sẽ phải làm kiểm tra để biết chất hóa học nào gây kích ứng cho bạn.
4. Tróc da do ánh nắng mặt trời
Việc tiếp xúc quá lâu với với ánh nắng mặt trời có thể khiến da bị cháy nắng. Tình trạng này có thể khiến da bị tăng nhiệt độ, đỏ hoặc hồng lên và bị bong tróc sau vài ngày. Da bị cháy nắng có thể mất một vài ngày hoặc thậm chí một tuần mới lành. Vậy nên nếu muốn phòng tránh, bạn có thể bôi kem chống nắng kỹ trước khi ra đường.
5. Tróc da do thời tiết khắc nghiệt
Khí hậu quá khô và lạnh vào mùa đông có thể khiến da đầu ngón tay bị khô, nứt nẻ và bong tróc. Thế nhưng thời tiết quá nóng cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới da. Trong những tháng mùa hè, tình trạng tróc da đầu ngón tay cũng có thể xảy ra do bạn đổ mồ hôi nhiều.
6. Tróc da do mút ngón tay
Thói quen mút tay có thể là nguyên nhân gây khô và tróc da đầu ngón tay ở trẻ em. Thậm chí, một số người lớn cũng vẫn còn thói quen này. Nếu bạn thấy mình mút ngón tay nhiều đến mức bị tróc da, hãy đến bác sĩ để tìm cách can thiệp phù hợp.
7. Tróc da thiếu hoặc dư vitamin
Việc bổ sung quá ít hoặc quá nhiều một loại vitamin nào đó có thể khiến da đầu ngón tay bị bong tróc và nứt nẻ. Tình trạng cơ thể thiếu vitamin B3 (niacin) có thể gây bệnh pellagra, một chứng dẫn đến viêm da, tiêu chảy và thậm chí mất trí nhớ.
Những ai bổ sung quá nhiều vitamin A cũng có thể khiến da bị kích ứng và móng tay bị nứt. Các triệu chứng thừa vitamin A khác bao gồm:
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Chóng mặt
8. Tróc da do bệnh chàm
Loại chàm phổ biến nhất là viêm da dị ứng, một bệnh về da mãn tính. Bệnh chàm có thể khiến da bị kích ứng và có các dấu hiệu như đỏ, nứt, ngứa, bong tróc và da dễ bị đau khi đụng vào.
Nguyên nhân gây bệnh chàm có thể do bạn tiếp xúc với một số hóa chất mạnh nhưng cũng có trường hợp do di truyền.
9. Tróc da do bị dị ứng
Da đầu ngón tay có thể bị bong tróc nếu bạn tiếp xúc với tác nhân gây bị dị ứng cho mình. Ví dụ, niken trong một số loại trang sức có thể khiến da bị đỏ, ngứa, sưng và bong tróc. Ngoài dị ứng niken, chứng dị ứng latex cũng có thể ảnh hưởng đến da tay khá nhiều.
10. Tróc da do bệnh vẩy nến
Vẩy nến là bệnh da liễu mãn tính thường có thể tự hết. Đây là tình trạng những tế bào da tái tạo quá nhanh, tích tụ và tạo thành những lớp vảy bạc trên bề mặt da. Bệnh vẩy nến là một bệnh da liễu mãn tính có thể khiến da tổn thương và xuất hiện nhiều mảng bong tróc.
11. Tróc da do bệnh exfoliative keratolysis
Bệnh exfoliative keratolysis tạm dịch là bệnh tróc tế bào da và sừng bàn tay thường xảy ra trong những tháng nóng. Bệnh này có thể gây mụn nước và khiến đầu ngón tay bị tróc da cũng như nứt nẻ. Tình trạng này có thể tệ hơn nếu bạn tiếp xúc với chất hóa học.
12. Tróc da do bệnh kawasaki
Bệnh kawasaki là một tình trạng hiếm gặp, chủ yếu xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh kéo dài vài tuần với ba giai đoạn với các triệu chứng khác nhau. Triệu chứng đặc trưng của giai đoạn đầu tiên là sốt cao kéo dài trong hơn năm ngày. Tình trạng đầu ngón tay bị tróc da thường là dấu hiệu giai đoạn thứ hai. Ở giai đoạn ba, lòng bàn tay và bàn chân thường bị đỏ và sưng.
Cách chữa đầu ngón tay tróc da tại nhà
Nếu đầu ngón tay tróc da do một số bệnh lý tiềm ẩn, bạn cần đi khám sớm ngay khi có dấu hiệu. Tuy nhiên nếu bị tróc da ngón tay do một số lý do không nguy hiểm, bạn có thể áp dụng một số cách chữa tại nhà như sau.
• Dùng lô hội: Lô hội hay còn gọi là nha đam có thể giúp giảm nhẹ tình trạng kích ứng và tróc da đầu ngón tay. Bạn chỉ cần cạo chút gel từ nha đam tươi, bôi lên vùng bị kích ứng ít nhất hai lần một ngày rồi để yên cho tới khi khô.
• Dùng dầu dừa: Dầu dừa lành tính nên từ lâu đã là bài thuốc chữa nhiều vấn đề về da như da khô, bong tróc và thậm chí là bị mụn. Bạn có thể bôi dầu dừa lên tay để chăm sóc vùng da bị bong tróc. Nếu thấy dầu dừa quá dính, bạn có thể đeo găng tay sau khi thoa. Bạn hãy áp dụng cách này hai lần một ngày, một lần dùng trước khi ngủ và để qua đêm. Nếu không có sẵn dầu dừa trong nhà, bạn có thể dùng dầu hạnh nhân hoặc dầu ô liu cũng có tác dụng rất tốt.
• Dùng mật ong: Mật ong là một loại kem dưỡng ẩm tự nhiên rất tốt cho da. Bạn chỉ cần bôi mật ong lên các ngón tay bị tróc và để yên trong vòng nửa giờ.
• Uống nước đầy đủ: Uống nước là cách đơn giản mà hiệu quả giúp cải thiện các vấn đề về da, kể cả khô và bong tróc da tay.
• Ăn uống lành mạnh: Thói quen ăn uống không lành mạnh có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề về da. Vậy nên, bạn hãy bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng như trái cây, rau củ, sữa chua, các loại đậu, thịt nạc… Các thực phẩm lành mạnh này sẽ giúp làn da và cơ thể khỏe mạnh hơn.
• Dùng chuối: Chuối có thể giúp bạn cải thiện tình trạng tróc da đầu ngón tay khá hiệu quả. Bạn có thể nghiền một quả chuối rồi trộn một ít mật ong và sữa. Sau đó, bôi hỗn hợp lên các ngón tay bị khô.
• Đeo bao tay: Khi lau dọn nhà cửa với các chất hóa học quá mạnh, bạn nên đeo bao tay để vệ làn da mỏng manh.
Tình trạng tróc da đầu ngón tay thường không nguy hiểm nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm cần chữa trị. Bạn hãy để ý cả những dấu hiệu nhỏ nhất này để bảo vệ sức khỏe nhé!