Vitamin có thực sự là thần dược như mọi người vẫn nghĩ?

Lời đồn 1: Không bổ dọc thì bổ ngang, các loại vitamin tổng hợp tốt cho tất cả mọi người

Đầu thế kỷ 20, các căn bệnh do thiếu vitamin khá phổ biến, nhưng ngày nay, bạn hiếm có khả năng bị thiếu vitamin nghiêm trọng. Hầu hết các thực phẩm đóng gói đều được bổ sung vitamin. Một viên vitamin tổng hợp không thể thay thể cho thực phẩm hàng ngày.

Theo tiến sỹ Marian Neuhouser tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, Mỹ, “các loại vitamin tổng hợp có hàng tá thành phần, nhưng thực vật có hàng trăm hợp chất hữu ích khác. Nếu bạn chỉ uống vitamin tổng hợp, bạn sẽ thiếu rất nhiều hợp chất có ích.” Thậm chí một số vitamin bổ sung còn vô ích, nếu không muốn nói là nguy hiểm.

Related image

Lời đồn 2: Vitamin có thể cứu vãn chế độ ăn uống nghèo nàn

Nhiều người coi viên vitamin như thứ bảo hiểm cho sức khỏe. Sự thật không như bạn nghĩ.

Tạp chí Nội khoa Mỹ đã xem xét những phát hiện từ Sáng kiến Sức khỏe Phụ nữ – một nghiên cứu dài hạn trên hơn 160.000 phụ nữ ở độ tuổi trung niên. Dữ liệu cho thấy, những ngưới dùng vitamin tổng hợp không hề khỏe mạnh hơn những người không dùng thuốc, ít nhất là với các bệnh lớn như ung thư, bệnh tim hay đột quỵ. “Phụ nữ có chế độ ăn nghèo nàn không thế chống chế bằng cách uống vitamin tổng hợp”, Tiến sỹ Neuhouser – tác giả nghiên cứu – cho biết.

Lời đồn 3: Vitamin C là cứu tinh cho bệnh cảm cúm

Vào những năm 1970, nhà hóa học từng đoạt giải Nobel Linus Pauling đã phổ biến ý tưởng rằng vitamin C có thể ngăn ngừa cảm lạnh.

Ngày nay, các nhà thuốc chứa đầy các loại thuốc bào chế dựa trên thành phần vitamin C. Nhưng đừng bị đánh lừa bởi sự cường điệu này.

Năm 2013, các nhà nghiên cứu đã phân tích một loạt nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua liên quan tới hơn 11.000 đối tượng, và họ đi đến một kết luận: Vitamin C không ngừa được cảm lạnh, ngoại trừ các vận động viên marathon, vận động viên trượt tuyết và binh sỹ tham gia các bài tập dưới nước. Chất dinh dưỡng có thể giúp bạn hồi phục sau trận cảm nhanh hơn, nhưng việc dùng vitamin C sau khi xuất hiện các triệu chứng cảm không hề giúp ích.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, các bệnh nhân có thể tự quyết định việc uống vitamin C quanh năm chỉ vì lợi ích tối thiểu có đáng tiền hay không.

Related image

Lời đồn 4: Vitamin có thể ngăn ngừa bệnh tim

Đã có thời gian, các nhà nghiên cứu hy vọng, các vitamin chống oxy hóa như vitamin C, E và beta-carotene có thể ngăn ngừa bệnh tim bằng cách giảm sự tích tụ của các mảng bám gây tắc động mạch. Các loại vitamin B cũng đầy hứa hẹn, bởi vì folate, B6 và B12 giúp phá vỡ amino acid homocysteine (mà hàm lượng homocysteine cao trong máu có liên quan tới bệnh tim).

Thật không may, không hy vọng nào đạt được kết quả.

Một phân tích về 7 thử nghiệm vitamin E đã kết luận rằng, nó không làm giảm nguy cơ đột quỵ hoặc tử vong do bệnh tim. Nghiên cứu cũng xem xét kỹ lưỡng 8 nghiên cứu về beta-carotene và xác định rằng, thay vì ngăn ngừa bệnh tim, những chất bổ sung này thậm chí làm tăng nhẹ nguy cơ tử vong! Điều tương tự cũng đúng với các ứng viên vitamin đầy triển vọng khác. Thay vì uống vitamin, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên bạn nên ăn một chế độ ăn đa dạng, giàu trái cây, rau củ và ngũ cốc.

Lời đồn 5: Uống vitamin có thể giúp phòng chống ung thư

Các nhà nghiên cứu biết rằng, các phân tử không ổn định được gọi là gốc tự do có thể làm hỏng DNA tế bào của bạn, làm tăng nguy cơ ung thư. Họ cũng biết rằng, chất chống oxy hóa có thể ổn định các gốc tự do, về mặt lý thuyết làm cho chúng ít nguy hiểm hơn nhiều.

Vậy tại sao không dùng thêm một số chất chống oxy hóa để bảo vệ bạn chống lại ung thư?

Bởi vì nghiên cứu cho đến nay cho thấy, không có gì tốt từ những viên vitamin đó. Một số nghiên cứu đã cố gắng tìm nhưng không thấy lợi ích nào, như nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, với 5.442 phụ nữ được chỉ định ngẫu nhiên dùng giả dược hoặt kết hợp vitamin nhóm B. Trong suốt hơn 7 năm, tất cả số phụ nữ này đều trải qua tỷ lệ ung thư và tử vong vì ung thư như nhau.

Lời đồn 6: Kể cả không bổ ích thì vitamin cũng không gây hại

Related image

Đó quả là một suy nghĩ lỗi thời. Một loạt nghiên cứu quy mô lớn đã được tiến hành xung quanh vấn đề này, Demetrius Albanes – nhà dịch tễ học dinh dưỡng tại Viện Ung thư Quốc gia Mỹ cho biết. Sự thay đổi bắt đầu với một nghiên cứu lớn về beta-carotene. Họ đã kiểm tra xem chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa ung thư phổi hay không, nhưng thay vào đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự gia tăng đáng ngạc nhiên về số ca ung thư phổi và ca tử vong ở những nam giới hút thuốc có sử dụng thực phẩm bổ sung.

Sau đó, một nghiên cứu kéo dài 10 năm được công bố trên Tạp chí Ung thư Lâm sàng đã xem xét hơn 77.000 người trưởng thành trên 50 tuổi.

Kết quả chỉ ra rằng, bổ sung vitamin B6 và B12 làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho nam giới. Các nghiên cứu khác đã làm dấy lên mối lo ngại rằng dùng axit folic liều cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết. Điểm mấu chố là: Vitamin an toàn khi bạn lấy chúng từ thức ăn, nhưng ở dạng thuốc viên, chúng có thể hoạt động như một loại thuốc, với tác dụng phụ khó ngờ và đôi khi còn nguy hiểm.

Tuy nhiên, có một sự thật: Phụ nữ muốn mang thai nên uống vitamin.

Có một nhóm đối tượng có lẽ là cần nhiều vitamin hơn cả, đó là các bà mẹ tương lai. Một người phụ nữ bổ sung đủ lượng vitamin B folate sẽ ít có khả năng sinh con bị dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến tủy sống. Vì tủy sống bắt đầu phát triển cực kỳ sớm, trước khi một người phụ nữ có thể biết mình mang thai, nên cách an toàn nhất là uống 400 microgam axit folic (dạng tổng hợp của folate) mỗi ngày khi bạn có ý định mang thai. Axit folic không cần thiết cho phần còn lại của dân số.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, chưa đến 1% người Mỹ bao gồm cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thiếu folate, một phần nhờ vào yêu cầu đối với các sản phẩm ngũ cốc là phải bổ sung axit folic.

You may also like...