Bổ sung DHA cho trẻ sinh non có thật sự tốt?

DHA (Docosahexaenoic acid) thuộc nhóm axít béo omega-3 và được đánh giá cao bởi khả năng tăng cường sự phát triển cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là não bộ. Tuy nhiên, có một số thắc mắc liên quan đến DHA như: có phải trẻ sơ sinh bú mẹ đều nhận đủ DHA cần thiết hay bé có nên bổ sung DHA nếu không uống sữa mẹ.

Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng trẻ sơ sinh uống sữa công thức chứa DHA sẽ ít gặp các vấn đề về hô hấp hoặc da hơn. Thêm vào đó, sữa công thức có DHA cũng hỗ trợ trẻ trong việc giảm tình trạng hen suyễn hoặc thở khò khè khi mẹ bị dị ứng. Ngoài ra, các bệnh viêm phế quản, khó thở mạn tính, tiêu chảy cũng sẽ được giảm nhẹ.

Dù nhiều nghiên cứu cho thấy DHA mang lại nhiều lợi ích cho trẻ nhưng việc bổ sung DHA cho trẻ sinh non vẫn còn đặt ra nhiều nghi vấn về tính hiệu quả.

DHA cho trẻ sinh non có tốt không?

Do DHA có những tác dụng tốt đối với hệ hô hấp nên bác sĩ đã đặt ra câu hỏi liệu có nên bổ sung DHA cho trẻ sinh non để giúp giảm tỷ lệ loạn sản phế quản phổi (bệnh phổi mạn tính) hay không.

Một trong những biến chứng chính về sức khỏe có thể xảy ra với trẻ sơ sinh là vấn đề hô hấp và phổi vì con thường có phổi kém phát triển. Loạn sản phế quản phổi (BPD) là một bệnh về phổi có khả năng ảnh hưởng đến trẻ sinh non cần được trợ thở sau khi sinh.

BPD có thể dẫn đến sẹo phổi và can thiệp vào sự lưu thông của không khí trong phổi, từ đó gây ra vấn đề về hô hấp hoặc các biến chứng về sức khỏe khác trong suốt cuộc đời con yêu, bao gồm suy tim sung huyết.

Kết luận của nghiên cứu

Một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Y học New England đã cho thấy rằng DHA có thể không hữu ích trong việc giảm nguy cơ rối loạn phổi.

Nghiên cứu dựa trên 1.273 trẻ sinh ra trước tuần 29 của thai kỳ kèm theo kiểm tra tác dụng của việc của bổ sung 60mg DHA trên 1kg cân nặng của trẻ để so sánh với trẻ sơ sinh không bổ sung DHA. Việc bổ sung được thực hiện cho đến khi trẻ sơ sinh 36 tuần tuổi, thời điểm được xem là đủ tháng hoặc cho đến khi trẻ được xuất viện về nhà.

Kết quả là tổng cộng có 592 trẻ sơ sinh thuộc nhóm bổ sung DHA, trong đó có đến 291 bé (49,1%) được chẩn đoán bị loạn sản phế quản phổi. Ngược lại, trong số 613 trẻ không được bổ sung DHA, có đến 269 (43.9%) mắc bệnh BDP. Vì vậy, số lượng trẻ sinh non đã được chẩn đoán BPD lâm sàng ở nhóm được bổ sung DHA lớn hơn so với nhóm không được bổ sung axít béo này.

Phát hiện trên đã dẫn các nhà nghiên cứu đến kết luận rằng bổ sung DHA không giúp ngăn ngừa loạn sản phế quản phổi mà còn có thể liên quan đến căn bệnh này. Do đó, nếu con yêu đang được nuôi trong lồng ấp hoặc mẹ bầu có nguy cơ sinh non, hãy nói chuyện với bác sĩ về những cách giảm thiểu nguy cơ loạn sản phế quản phổi khác cho bé.

You may also like...