Có nên dạy trẻ học chữ sớm?

Ngày nay, có nhất nhiều gia đình ở Việt Nam có nhu cầu cho con học chữ từ rất sớm với lý do muốn trẻ được tiếp xúc sớm với cánh cửa tri thức nhân loại, tự lập và tự tin hơn ở trường học, hoặc việc học của con sẽ tiến bộ hơn, tiếp thu dễ dàng hơn,… Vậy điều đó có thực sự đúng đắn? Dưới đây mình xin chia sẻ ý kiến để các bậc cha mẹ cân nhắc có nên tiếp tục cho con học chữ trước khi đi học.

Nhìn từ gốc rễ của vấn đề, các gia đình hãy tự định hình lại một lần nữa về lý do tại sao các ông bố bà mẹ lại nóng lòng muốn cho trẻ đi học trước càng sớm càng tốt như vậy? Liệu đó có đơn thuần đến từ mong muốn cho con sớm được tiếp xúc với tri thức, sớm làm quen để con không cảm thấy khó khăn, áp lực với chuyện học hành trong trương lai? Hay là mầm mống của bệnh thành tích mà vô hình chung bằng mọi cách để ép con vượt trội hơn hẳn bạn bè ngay từ khi con chập chững bước vào lớp Một? Hoặc là cả hai? Các bậc phụ huynh hãy nhìn lại nguyên nhân mình muốn dạy trẻ một lần nữa trước khi đọc tiếp những dòng dưới đây.

Có nên không khi cho con trẻ bắt đầu học chữ sớm? Các bậc phụ huynh cũng cần nhớ lại rằng, không phải ngẫu nhân mà trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều quy định độ tuổi chính thức khi con vào lớp Một để học chữ là 5-6 tuổi. Tức là trước độ tuổi đó, trẻ cần có thời gian để vui chơi tự do, để phát triển trí thông minh cùng sự sáng tạo tự nhiên. Điều này thì cực kỳ đúng và áp dụng hầu hết ở các nước Âu – Mỹ. Mình có đọc một câu chuyện nho nhỏ có kể về cuộc thắng kiện đầy kinh ngạc của một bà mẹ trẻ ở tiểu bang Nevada nước Mỹ từ những năm 1968. Lý do kiện chỉ vì trường học đã dạy cô con gái 3 tuổi bé bỏng của bà là Edith học chữ vì lo sợ rằng việc đó sẽ tước đoạt đi trí tưởng của bé sau này. Hoặc cũng có câu chuyện khác là cháu gái mình, mẹ bé đã cho bé học từ khá sớm và đến năm gần 5 tuổi, bé đã biết viết thư cho những người họ hàng ở xa dưới sự hỗ trợ của mẹ. Cho đến khi vào lớp Một, sách tập đọc dường như đã trở thành một bài học cũ mà bé chẳng buồn ngó ngàng (vì bé đã biết đọc hết). Mọi việc dường như đã rất đúng so với mong muốn của bố mẹ em bé cho đến khi buổi họp phụ huynh diễn ra và cô giáo chia sẻ rằng bé ở lớp rất rất trầm và thiếu tập trung. Tất nhiên là sẽ có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, trong đó bao gồm cả lý do bé đưa ra: Vì đã biết nên bé không cần hỏi; Vì đã biết nên bé cảm thấy không cần đọc bài theo hướng dẫn của cô và muốn tự đọc một thứ gì khác mới hơn; Vì đã biết nên bé không muốn ngồi học nghiêm túc và nghe cô đọc bài; Và còn vân vân những cái bắt nguồn từ lý do “vì đã biết” của bé nữa .Đọc đến đây có lẽ phần nào các cha mẹ cũng tự trả lời được rằng có nên dạy con mình học chữ trước không hoặc một số còn băn khoăn hay cố thủ: nếu không dạy chẳng may con mình thua kém bạn bè thì sao? Xin thưa rằng, đối với một số trẻ, việc bộc lộ tố chất là một thần đồng được thể hiện từ khá sớm, thậm chí sớm hơn mọi đứa trẻ khác nhiều lần. Ở trường hợp như vậy, bố mẹ trẻ cũng có thể cho trẻ phát triển hơn nữa bằng việc dạy con học bảng chữ cái sớm. Nhưng, trường hợp này thì chắc chắn không phải số đông và chưa chắc các thần đồng học chữ sớm sẽ phát triển hơn những đứa trẻ bình thường trong tương lai nếu không được giáo dục đúng cách.

Sẽ có nhiều bố mẹ đặt ra câu hỏi, nếu không dạy chữ sớm cho con thì làm gì để con có thể phát triển, tiếp thu kiến thức tốt, không bị ngỡ ngàng khi vào lớp Một? Mình biết rằng có nhiều phương pháp học tập cho con mà không cần đến việc bắt con phải biết đọc trước. Đầu tiên, bố mẹ nên khuyến khích con trẻ học cách tìm hiểu thế giới xung quanh thông qua bản năng; cũng đừng ngại cho trẻ tự mày mò khám phá (nhiều mom ngại con chơi bẩn, sợ con ngã đau mà nghiễm nhiên đánh mất đặc quyền cơ bản nhất này của con). Tiếp đó, hãy kể chuyện, đọc thơ, hát và ở một cấp độ cao hơn, hay yêu cầu trẻ lắp lại những điều mình làm. Ngoài ra, các bố mẹ cũng nên cho trẻ tiếp xúc với sách báo, truyện tranh có nhiều hình ảnh. Khi nhận thấy dầu hiệu tò mò về con chữ của trẻ, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ tư duy tưởng tưởng của mình. Hãy để trẻ được nói “O” là mặt trời, là lắc tay, là quả trứng, hay là bất cứ điều gì không phải “chữ o”. Và quan trọng hơn cả, phụ huynh cần tạo cho trẻ sự kết nối với người thân, với những đứa trẻ khác; học cách biểu đạt cảm xúc của trẻ và đặt câu hỏi với thế giới xung quanh.

Đến đây, các bố mẹ hãy yên tâm rằng, muốn dạy trẻ tốt, đầu tiên hãy dạy trẻ những điều sơ cấp một cách thật tốt. Đừng lo lắng cũng đừng gượng ép khi con bạn dường như không quan tâm đến chữ cái ( hầu hết trẻ em sẽ không gọi tên và âm thanh của các chữ cái có trong bảng chữ cái cho đến khi chúng được khoảng 4 tuổi). Còn trường hợp bé quan tâm thì hãy cứ bình tĩnh dạy con học chữ trước một cách không nôn nóng, biết đâu con bạn đã là một thiên tài.

You may also like...