Làm thế nào để trẻ yêu thương anh chị em của mình?
Xây dựng mối quan hệ anh chị em tốt đẹp giữa các bé là một trong những nhiệm vụ đầy khó khăn bởi công việc này đòi hỏi sự ứng xử khéo léo của các bậc cha mẹ.
Ông bà ta vẫn thường nói: “Anh em như thể tay chân. Rách lành đùm bọc, chở che, đỡ đần”. Tình cảm anh chị em là một mối quan hệ rất quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Dù có những lúc trẻ cãi vã, đánh nhau nhưng những điều đó sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp khi chúng trưởng thành.
Tại sao việc xây dựng mối quan hệ anh chị em tốt đẹp giữa các bé lại cần thiết?
Tình cảm anh chị em là một mối liên hệ chặt chẽ. Dưới đây là một số lý do tại sao bạn cần phải chú ý đến việc thắt chặt tình cảm giữa các bé:
- Việc lớn lên cùng với anh chị em của mình sẽ dạy cho trẻ nhiều kỹ năng sống như kết bạn, giải quyết vấn đề hoặc làm thế nào để là chính mình.
- Anh chị em là những người đáng tin cậy nhất của trẻ, không chỉ khi còn nhỏ mà khi đã trưởng thành.
- Thậm chí, anh chị em còn hiểu trẻ hơn cả cha mẹ. Sẽ có những cuộc cãi vã, xung đột nhưng chính những điều này góp phần làm cho tình cảm giữa chúng trở nên khắng khít hơn.
- An chị em thường chia sẻ với nhau những bí mật riêng tư. Những lúc khó khăn, trẻ có thể chia sẻ với anh chị em của mình mà không sợ bị đánh giá hay chê trách.
- Tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Trẻ có thể chia sẻ buồn vui, đau khổ, khó khăn của mình với anh chị em.
Yếu tố nào khiến tình cảm anh chị em giữa các bé bị rạn nứt?
1. Đặc điểm cá nhân
Mặc dù được sinh ra cùng một bố mẹ, có chung các gien nhưng mỗi người là một cá thể khác nhau và mỗi trẻ sẽ có những đặc điểm khác nhau. Bé lớn có thể hơi hướng nội và không thích tiếp xúc với người lạ trong khi bé nhỏ lại hướng ngoại, thích đi chơi, kết bạn với mọi người…
2. Chênh lệch tuổi tác
Nhiều người cho rằng hai bé chênh lệch nhau khoảng 1 – 2 tuổi sẽ hay ganh tỵ và cãi nhau nhiều hơn. Còn những cặp anh chị em có sự chênh lệch tuổi tác nhiều thường yêu thương và thông cảm với nhau hơn.
3. Thái độ của cha mẹ
Sự ganh đua giữa các con không có gì là xấu nhưng nếu quá nghiêm trọng, nó có thể gây hại cho mối quan hệ anh chị em giữa các bé. Là cha mẹ, nếu bạn thiên vị với trẻ này thì sẽ khiến trẻ khác nảy sinh ghen tỵ và thù hận. Điều này có thể phá vỡ tình cảm anh chị em của trẻ.
4. Văn hóa
Sự khác biệt về văn hóa cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ anh chị em. Trong một số nền văn hóa, vai trò của anh chị em rất quan trọng. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, sẽ có các lễ hội để kỷ niệm mối quan hệ giữa anh trai và em gái như Bhai Duj hoặc Raksha Bandhan.
Làm thế nào để thắt chặt tình cảm anh chị em giữa các bé?
Gia đình là một phần rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Bạn có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa các bé thông qua những cách sau:
1. Dành thời gian cho nhau
Hãy khuyến khích trẻ dành thời gian để thường xuyên chơi cùng anh chị em của mình. Bạn có thể đưa các bé đi ăn, xem phim, đi chơi công viên hoặc khuyến khích trẻ đọc sách cùng nhau… để các bé có thời gian nói chuyện và hiểu nhau nhiều hơn.
2. Luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau
Bạn có thể rất bận rộn với công việc, vì vậy việc giúp đỡ anh chị em sẽ được “phó thác” cho trẻ. Hãy dạy trẻ cách giúp đỡ anh chị của em mình để giúp các bé gần gũi nhau hơn.
3. Thông cảm
Hiểu anh chị em của mình là cách đơn giản nhất để tạo ra một mối liên kết mạnh mẽ giữa các bé. Hãy yêu cầu các bé thường xuyên chia sẻ những việc hằng ngày cho nhau, có thể là chuyện buồn hoặc chuyện vui. Ngoài ra, bạn nên dạy trẻ phải kiên nhẫn lắng nghe và không phán xét. Sau khi lắng nghe, khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến hoặc quan điểm của mình mà không đổ lỗi hoặc buộc tội.
4. Thường xuyên liên lạc
Với những gia đình mà ba mẹ ly hôn, con cái phải sống với ba hoặc mẹ thì việc gặp gỡ giữa anh chị em đôi khi trở nên khó khăn. Nếu bạn đang rơi vào tình huống này, hãy cho trẻ liên lạc với anh chị em của mình thường xuyên bằng điện thoại hoặc tin nhắn. Bạn có thể dạy trẻ gọi video call, sử dụng Zalo, Viber… để trò chuyện với anh chị em của mình.
5. Bỏ qua những mâu thuẫn
Hãy khuyên trẻ quên đi những mâu thuẫn, xung đột bởi điều này không chỉ khiến mối quan hệ anh chị em bị xấu đi mà còn khiến trẻ cảm thấy khó chịu. Nếu bạn muốn mối quan hệ anh chị em giữa các bé được củng cố, bạn phải khuyến khích trẻ gạt bỏ những mâu thuẫn.
Lời khuyên dành cho cha mẹ
Mối quan hệ anh chị em giữa các bé là sự pha trộn giữa yêu và ghét. Là cha mẹ, bạn nên giúp cho trẻ hiểu tầm quan trọng của mối quan hệ này. Dưới đây là một vài lời khuyên của Hello Bacsi, bạn có thể thử tham khảo và tìm cách thắt chặt tình cảm giữa các bé:
1. Hãy làm gương cho trẻ
Bạn phải làm gương cho trẻ bằng cách xây dựng mối quan hệ tốt với anh chị em của chính mình. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của mối quan hệ này và là cách tốt nhất để khuyến khích trẻ làm điều tương tự với anh chị em của mình. Bạn có thể làm điều này rất đơn giản: gọi điện thoại, đi ra ngoài ăn trưa, xem phim, mua sắm với anh chị em của bạn và cố gắng hỗ trợ họ những lúc gặp khó khăn. Trong trường hợp bạn đã mất liên lạc với anh chị em của mình, hãy tìm cách liên lạc lại và trò chuyện với họ. Điều này sẽ giúp cho trẻ hiểu cách phục hồi lại mối quan hệ khi đã tan vỡ.
2. Nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ này
Từ khi các bé còn nhỏ, hãy kể lại cho trẻ nghe những kỷ niệm hồi còn nhỏ của bạn và anh chị em. Hoạt động này sẽ giúp trẻ hiểu được lý do tại sao anh chị em cần phải đoàn kết và yêu thương nhau.
3. Cho các bé làm chung với nhau
Bạn hãy lên kế hoạch để các bé có thời gian đi chơi chung và tổ chức một số trò chơi để gắn kết tình cảm giữa các bé. Hoạt động sẽ giúp trẻ có thời gian ở bên nhau nhiều hơn và hiểu nhau hơn.
4. Dạy cho trẻ hiểu tầm quan trọng của việc đoàn kết
Bạn nên dạy trẻ hiểu làm việc theo nhóm sẽ đem lại nhiều lợi ích như thế nào. Khuyến khích trẻ cùng thực hiện các nhiệm vụ và cùng nhau đưa ra giải pháp khi họ đối mặt với một khó khăn nào đó. Điều này sẽ giúp cho tình cảm giữa các bé trở nên tốt đẹp hơn.
5. Dạy trẻ biết quan tâm đến nhau
Khuyến khích các bé chăm sóc lẫn nhau. Hãy yêu cầu con giúp đỡ bạn chăm sóc anh/chị/em của chúng nếu có bé nào đó bị bệnh.
6. Không khuyến khích sự ganh đua
Bạn tuyệt đối không khuyến khích sự ganh đua giữa các con bởi điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa các bé.
7. Không thiên vị
Là cha mẹ, bạn không được thiên vị với bất cứ bé nào. Bạn không bao giờ được “bênh” bé này và khiển trách bé khác. Điều này sẽ tạo ra sự thù địch giữa các bé và để lại tác động tiêu cực.
Tình cảm anh chị em tốt đẹp là điều rất quan trọng đối với sự phát triển cảm xúc của trẻ nhỏ. Bạn hãy thử làm theo một số lời khuyên trên và quan sát trong một khoảng thời gian để đánh giá kết quả nhé.