Mẹo giúp con tăng cân đều mà không cần phải ép ăn
Trẻ chậm tăng cân không phải là chứng bệnh mà là cảnh báo hệ tiêu hóa của bé đang gặp vấn đề, dưỡng chất, năng lượng không phù hợp để phát triển nên trẻ có cân nặng, chiều cao chưa phù hợp với lứa tuổi để có sức đề kháng tốt, cao lớn, khỏe mạnh, trí tuệ, năng động.
Nếu chưa biết cách giúp bé tăng cân nhanh chóng và duy trì cân nặng ổn định, đảm bảo sức khỏe mẹ đừng bỏ qua bài viết hữu ích này! Bài viết dưới đây sẽ giúp ba mẹ phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ nhẹ cân và mách nhỏ mẹ các bí quyết, mẹo vặt và những cách làm sao cho bé tăng cân nhanh chóng, đảm bảo khỏe mạnh mà không cần phải ép các bé ăn.
Đầu tiên các mẹ cần phải nắm bắt được cách đánh giá cân nặng phù hợp với lứa tuổi của con như sau:
- Đối với trẻ dưới 60 tháng tuổi: Dùng chỉ số zcore đánh giá cân nặng theo chiều dài hoặc chiều cao tiêu chuẩn. Chiều dài được tính đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi và chiều cao đối với trẻ từ 24 tháng trở lên. Tham khảo tại đây.
- Đối với trẻ từ 60 tháng tuổi đến 19 tuổi: sử dụng BMI theo tuổi với công thức tính là BMI = cân nặng/(chiều cao x chiều cao).
Để các mẹ có con có cân nặng chưa phù hợp với lứa tuổi thì tham khảo các cách giúp con ăn ngon, phát triển và tăng cân đều đặn như sau:
1. Đảm bảo nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn của bé
- Bé dưới 6 tháng tuổi mẹ nên cố gắng đảm bảo cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, vì sữa mẹ không chỉ cung cấp dưỡng chất cần thiết mà còn tăng hệ miến dịch. Để đảm bảo nguồn sữa đầy đủ và dồi dào dưỡng chất, mẹ nên ăn phong phú các loại thực phẩm, cho bé bú thường xuyên
- Bé lớn hơn 6 tháng, mẹ đừng quên bổ sung nhóm dưỡng chất quan trọng để con có thể phát triển và tăng cân đều.
Một số các nhóm chất quan trọng
- Chất béo lành mạnh: dầu oliu và bơ chứa nhiều calo và có lợi cho sức khỏe. Axit oleic trong cả hai loại thực phẩm có thể giúp giảm viêm, omega-3 tốt cho não bộ trẻ.
- Các loại thịt có nhiều calo: Thịt lợn, thịt gà.
- Các sản phẩm từ sữa: thêm phô mai bào vào đồ ăn là lựa chọn tuyệt vời để bổ sung calo cho trẻ. Mẹ có thể cho con ăn các loại sữa chua nhiều chất béo nhưng nên hạn chế những loại có nhiều đường.
- Trái cây: Chuối và bơ chứa hàm lượng calo cao
2. Đa dạng các bữa ăn của bé
Nhiều mẹ chủ quan, hoặc do bận rộn nên cứ lặp đi lặp lại một thực đơn từ ngày này qua ngày khác cho bé. Về mặt dinh dưỡng, tuy thực đơn có đầy đủ các dưỡng chất, nhưng điều này sẽ khiến trẻ ngán và không còn hứng thú với bữa ăn.
Nếu thay đổi thực đơn hoặc trang trí các món ăn đẹp nhiều màu sắc và sinh động hơn, mùi vị chế biến món ăn mới hơn thì thời gian ăn uống sẽ không còn là ắc mông với trẻ nữa, thay vào đó con ăn ngon hơn, đều ặn hơn.
Bên cạnh đó việc tiếp xúc với nhiều nhóm thực phẩm sẽ giúp bé có cơ hội được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm đường, chất béo, protein, chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu.
Vì vậy, mẹ hãy thay đổi thực đơn mỗi ngày cho trẻ để kích thích hứng thú ăn uống, đồng thời cung cấp đa dạng các dưỡng chất cho cơ thể.
Lưu ý, dù đổi món nhưng mẹ vẫn phải đảm bảo mỗi bữa ăn của trẻ đều phải có đủ các nhóm tinh bột, chất béo, chất đạm và rau quả nhé.
Dưới đây là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo:
- Chọn những miếng thịt bò, heo, gà,… vừa có nạc có mỡ để luân phiên chế biến món ăn.
- Sử dụng thêm sữa nguyên chất, pho mát, kem và sữa chua khi nấu ăn.
- Thay đổi cách chế biến với cùng một loại thực phẩm như nướng, chiên, xào, luộc, hấp,…
- Khuyến khích bé cùng tham gia chuẩn bị các loại nguyên liệu và cùng bạn nấu ăn hằng ngày. Điều này có thể giúp bé quý trọng thức ăn, chủ động hơn trong việc ăn uống và có cơ hội được thưởng thức món ăn do chính bản thân tự làm ra.
- Khi kết thúc bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ, bạn có thể cho trẻ uống thêm nước và các loại sinh tố trái cây.
Ngoài ra, bạn cần hạn chế trẻ tiếp xúc với các loại thực phẩm “calo rỗng”, chẳng hạn như nước ngọt, khoai tây chiên và thức ăn nhanh, vì nguy cơ dẫn đến thừa cân, béo phì và các vấn đề bệnh lý do thiếu các chất dinh dưỡng khác.
3. Tạo cảm giác ngon miệng cho bé
Khiến bé hứng thú chờ đợi đến bữa ăn cũng là một trong những cách giúp trẻ tăng cân nhanh chóng. Mẹ hãy tạo không khí vui vẻ cho mỗi bữa ăn, không nên thúc ép bé ăn quá mức, hơn hết là nên tắt ti vi hay các thiết bị điện tử để trẻ tập trung ăn.
Đồng thời, mẹ cũng nên thường xuyên tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho mình như ăn nhiều trái cây, rau củ hay ngũ cốc bởi bé thường có thói quen quan sát người lớn ăn và bắt chước theo.
4. Uống đủ nước
Cơ thể chúng ta được tạo ra từ khoảng 70% là nước – đó là thành phần tạo nên máu, dịch tiêu hóa, nước tiểu, mồ hôi, và nước cũng là thành phần không thể thiếu trong các cơ quan và tế bào của cơ thể.
Đặc biệt ở trẻ em, nước lại càng quan trọng vì cơ thể trẻ phần lớn dùng nước để điều hòa nhiệt độ cơ thể. Do đó, uống đủ nước là cách giúp bé tăng cân khỏe mạnh.
Lượng nước mà trẻ cần bổ sung trong ngày phụ thuộc vào mức độ hoạt động của trẻ, nhiệt độ môi trường, chế độ ăn uống và tình trạng sức khỏe. Bạn cần nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên, với trẻ em dưới 8 tuổi nên uống tối thiểu 4-5 cốc nước/ngày. Trẻ em trên 8 tuổi cần ít nhất 6-8 cốc nước/ngày.
Để có thể giúp bé bổ sung nước dễ dàng hơn, bạn có thể thử các cách sau:
- Thêm một lát chanh để nước có vị khác.
- Đảm bảo bé luôn có sẵn một chai nước, đặc biệt là những trẻ lớn đang đi học.
- Sử dụng các loại thảo mộc bao gồm bạc hà hoặc gia vị như gừng để tạo hương vị cho nước uống hằng ngày.
- Làm sinh tố trái cây.
5. Tập cho bé thói quen ăn đúng bữa, đúng giờ
Biện pháp này có thể áp dụng tốt với những trẻ lớn, đã có ý thức và chủ động hơn trong việc ăn uống hằng ngày. Bạn cần tập thói quen để trẻ tự giác ngồi vào bàn ăn khi đến giờ ăn, vì nếu qua thời gian ấy, trẻ sẽ không được phục vụ bữa ăn nữa.
Bên cạnh đó, bữa ăn của trẻ không nên có sự tham gia của các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, hay TV để tránh làm trẻ phân tâm và tập trung hơn trong việc thưởng thức, tiêu hóa thức ăn.
Quan trọng hơn cả, việc cho bé ăn đúng theo thời gian biểu cũng rất cần thiết. Điều này sẽ giúp hệ tiêu hóa bé thích ứng với bữa ăn và hấp thu dễ dàng hơn. Cần nhớ, mọi bữa ăn với trẻ đều rất quan trọng, đặc biệt là bữa sáng, do đó mẹ tuyệt đối không để bé bỏ bữa.
6. Không nên ép bé ăn
Ép trẻ ăn uống là việc làm rất sai lầm khi nuôi dạy con trẻ. Vì hành động gượng ép trong ăn uống sẽ làm cho bé cảm thấy lo sợ và tìm cách tránh né khi thời gian ăn đến gần.
Thay vì ép trẻ ăn, bạn hãy để trẻ ăn khi đói và được đưa ra lựa chọn về món ăn (giữa các món mà bạn đã lựa chọn theo lời khuyên của bác sĩ nhằm có lợi cho việc tăng cân) và quyết định về lượng thức ăn cho bản thân.
Ngoài ra, khi bé lớn hơn, trẻ cần được tham gia ăn cùng với gia đình và có thể ăn uống thoải thích trong thời gian này. Ngoài thời gian các bữa ăn chính, bạn chỉ nên cung cấp cho bé các bữa ăn nhẹ lành mạnh, không nuông chiều các loại thực phẩm giàu calo nhưng thiếu vi chất dinh dưỡng như kẹo ngọt hay các món ăn nhanh.
7. Bổ sung thêm sữa và các thực phẩm từ sữa
Canxi và vitamin D rất quan trọng trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời. Canxi cần thiết để giữ cho xương chắc khỏe và vitamin D cần thiết để cơ thể chúng ta hấp thụ canxi. Vì vậy việc uống sữa đầy đủ là rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ. (3)
Các sản phẩm từ sữa như sữa chua và pho mát là những nguồn cung cấp canxi, năng lượng dồi dào nhất. Bé trai và bé gái từ 4 – 8 tuổi cần 2,5 cốc sữa/ngày, trong khi trẻ em từ 9 – 18 tuổi cần 3 cốc/ngày.
Một trong những khuyến nghị chính trong hướng dẫn chế độ ăn uống mới là bổ sung thêm sữa không béo hoặc ít chất béo vào bữa ăn hằng ngày. Các hướng dẫn cũng khuyến khích chọn sữa và sữa chua thường xuyên hơn phô mai vì chúng chứa ít chất béo bão hòa và natri hơn, nhưng lại nhiều kali và vitamin A và D.
Nếu con bạn không dung nạp được lactose, hãy cho trẻ uống sữa không có lactose, sữa chua và pho mát. Các sản phẩm này có cùng một lượng canxi và vitamin D, vitamin và khoáng chất giống trong sản phẩm sữa thông thường, cũng là 1 cách hỗ trợ giúp bé tăng cân nhanh chóng.
8. Khuyến khích trẻ thường xuyên vận động
Chế độ ăn uống nhiều dưỡng chất chưa đủ để giúp bé tăng cân nhanh chóng và duy trì cân nặng ổn định, khỏe mạnh. Tập thể dục thể thao sẽ kích thích sự thèm ăn của trẻ. Hơn thế nữa, nếu trẻ ăn nhiều nhưng không vận động sẽ tăng nguy cơ mắc béo phì và các bệnh chuyển hóa.
Một đứa trẻ thường xuyên chạy nhảy, vận động sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn và khỏe mạnh hơn. Bên cạnh đó, vận động cũng giúp bé đốt cháy bớt lượng mỡ thừa, hỗ trợ chức năng miễn dịch và các quá trình chuyển hóa dinh dưỡng diễn ra tốt hơn.
Một chế độ vận động khoa học kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng sẽ giúp trẻ ăn ngon và tăng cân lành mạnh.
9. Khám và tẩy giun định kỳ cho con
- Khám sức khỏe định kỳ
Bé ăn ngủ tốt nhưng không tăng cân, lý do có thể do trẻ mắc phải một số chứng bệnh như: rối loạn tiêu hóa, dị ứng thức ăn, nhiễm trùng… Hãy đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ để chẩn đoán sớm bệnh (nếu có) và điều trị kịp thời giúp trẻ tăng cân đều trở lại. Ngoài ra, khi đi khám định kỳ, các bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ một số giải pháp dinh dưỡng phù hợp với tình trạng của trẻ để cải thiện cân nặng.
Việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt là chuyên gia về nhi khoa, có thể tạo nên sự khác biệt. Với kiến thức chuyên môn về bệnh lý và dinh dưỡng trẻ em, chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa có thể hướng dẫn bạn đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho chế độ ăn uống của bé.
- Tẩy giun
Một điều quan trọng cần lưu ý là bạn nên tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng/lần từ sau 2 tuổi trở đi. Bởi các ký sinh trùng này đã “hút sạch” mọi dưỡng chất cơ thể bé dung nạp, chưa kể nó còn gây rối loạn tiêu hóa. Bé nên uống thuốc sau bữa ăn tối 2 giờ hoặc vào sáng sớm khi bụng đói.
Ngoài ra, mẹ cần cho bé ăn chín, uống sôi, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ. Và chế biến hợp vệ sinh kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh để giúp bé tăng cân mẹ nhé.