Nấc cụt ở trẻ
Nấc cụt ở trẻ sơ sinh là tình trạng khá phổ biến. Điều này không gây nguy hiểm nhưng khiến nhiều bố mẹ lo lắng khi thấy con thường xuyên nấc cụt. Hiểu được nguyên nhân và cách phòng ngừa sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chăm sóc bé.
Tại sao trẻ sơ sinh bị nấc cụt?
Đây là tình trạng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, thậm chí bé có thể bị nấc cụt ngay khi còn trong bụng mẹ. Thai nhi có thể bị nấc cụt từ tam cá nguyệt thứ hai trở đi. Bé có thể bị nấc khi nuốt nước ối. Còn khi chào đời, có 7 nguyên nhân bé bị nấc cụt sau đây:
1. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng thức ăn đi ngược từ dạ dày lên thực quản. Trào ngược xảy ra khi trẻ sơ sinh có cơ vòng thực quản dưới phát triển chưa hoàn thiện. Cơ vòng thực quản dưới nằm giữa thực quản và dạ dày, ngăn thức ăn từ dạ dày di chuyển ngược lên thực quản. Sự trào ngược thức ăn và axít trong dạ dày tác động lên các tế bào thần kinh, làm rung cơ hoành và dẫn đến nấc cụt.
2. Cho con bú quá no
Việc bé bú quá no có thể làm cho dạ dày to và giãn ra. Sự giãn nở đột ngột của khoang bụng làm co thắt cơ hoành khiến bé dễ bị nấc cụt.
3. Nuốt nhiều khí vào bụng
Nếu con bú bình, bé có thể nuốt không khí quá nhiều vì sữa trong bình chảy nhanh hơn so với bú mẹ. Bé nuốt quá nhiều không khí cũng khiến dạ dày to và giãn ra. Việc cho bé bú bằng bình quá no có thể khiến trẻ dễ bị nấc cụt và dễ nổi cáu.
4. Dị ứng
Bé có thể dị ứng với protein trong sữa công thức hoặc thậm chí sữa mẹ, dẫn đến viêm thực quản. Điều này có thể làm bé bị nấc cụt. Ngoài ra, bé bú mẹ cũng có thể dị ứng với những thực phẩm do mẹ ăn.
5. Hen suyễn
Nếu con bị hen, các ống phế quản phổi sẽ bị viêm làm hạn chế luồng không khí vào phổi. Sự thiếu hơi này khiến bé thở khò khè dẫn đến cơ hoành bị co thắt. Kết quả là bé bị nấc cụt.
6. Hít phải khí ô nhiễm
Hệ hô hấp của trẻ sơ sinh phát triển chưa hoàn chỉnh. Khi hít phải khói, mùi ô nhiễm hay mùi quá gắt, bé sẽ dễ bị ho hơn. Việc bé ho quá nhiều khiến cơ hoành bị tổn thương sẽ dẫn đến nấc.
7. Giảm nhiệt độ cơ thể
Đôi khi sự giảm nhiệt độ có thể làm các cơ của bé co lại, trong đó có cơ hoành. Điều này làm bé nấc cụt. Nếu thấy bé xuất hiện tình trạng này, bạn không nên lo lắng quá. Lúc này, bạn cần bình tĩnh và hiểu rõ nguyên nhân để giải quyết những cơn nấc này.
Đừng quên ghi lại thời gian mà bé hay nấc. Điều này sẽ rất hữu ích khi bạn đưa bé đến bác sĩ khám.
Làm thế nào để ngăn chặn cơn nấc cụt ở trẻ sơ sinh?
Theo các bác sĩ, việc cho bé ăn quá nhiều có thể là nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nấc cụt. Do đó, bạn không nên cho bé bú bình hay sữa mẹ quá no vì điều này sẽ làm ảnh hưởng dạ dày nghiêm trọng. Ngoài ra, bạn cần lưu ý những điều sau đây khi cho trẻ ăn:
- Bạn nên cho bé ăn nhiều bữa nhỏ trong thời gian ngắn hơn là nhồi nhét bé ăn một lần. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ khiến bé bị nấc cụt.
- Cho bé bú đúng tư thế để sữa chảy vào dạ dày dễ dàng.
- Nếu con yêu có thể ngồi, hãy cho con vừa ngồi vừa uống sữa. Làm như vậy sẽ đảm bảo thức ăn đi thẳng vào dạ dày mà không có không khí đi vào. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên ngồi phía sau để đỡ lưng bé.
- Nghe nhạc trong lúc ăn cũng có thể khiến bé bị nấc cụt. Ngoài ra, việc điều chỉnh núm vú khi bé ngậm cũng có thể làm giảm lượng không khí đi vào dạ dày. Khi cho con bú, bạn phải đảm bảo miệng bé ngậm kín toàn bộ núm vú.
- Thường xuyên vệ sinh núm vú để loại bỏ những bã sữa khô còn sót lại. Nếu quá trình bé bú bị gián đoạn, vô tình bé sẽ nuốt nhiều không khí vào bụng khiến bé bị nấc cụt.
- Không được để bé ngủ khi đang bú bình. Khác với bú mẹ, bú bình làm lượng sữa bé bú vào nhiều hơn. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến nấc cụt.
Cách chữa trẻ bị nấc cụt nhanh nhất
1. Cho bé ăn ít đường
Nếu con đang trong giai đoạn ăn giặm, bạn có thể cho một ít đường vào dưới lưỡi của bé. Với những bé còn quá nhỏ, bạn có thể cho ít sirô lên núm vú giả hay ngón tay của bạn và cho bé ngậm. Tuy nhiên, phải đảm bảo là ngón tay và núm vú giả luôn sạch sẽ nhé! Với cách đơn giản này, bạn có thể ngăn những cơn nấc cụt của trẻ.
2. Massage lưng cho bé
Đây là một cách trực tiếp hơn để đối phó với những cơn nấc cụt. Đặt con ngồi thẳng và nhẹ nhàng xoa lưng theo hình vòng tròn. Bạn cũng có thể đặt bé nằm trên bụng mình và massage tương tự như lúc để bé ngồi. Massage nhẹ nhàng để bé cảm thấy thoải mái. Phương pháp massage giúp bé căng cơ hoành và ngăn chặn cơn nấc cụt.
3. Để bé ngồi thẳng sau khi bú
Bạn nên giữ người bé thẳng đứng khoảng 15 phút sau khi cho bú. Ngoài ra, việc vỗ nhẹ vào lưng để bé ợ hơi sẽ giúp đưa không khí trong dạ dày ra ngoài. Điều này làm cho cơ hoành của bé được thư giãn và giảm khả năng nấc cụt.
4. Chơi với con
Đôi khi bạn có thể chơi trò ú òa với bé. Khi bé bị nấc cụt, hãy làm bé phân tâm bằng những trò chơi vận động hoặc lắc những món đồ chơi trước mặt bé. Những cơn co thắt được kích hoạt bởi xung thần kinh có thể gây ra những cơn nấc cụt.
Những điều bạn không bao giờ làm với bé sơ sinh bị nấc cụt
Có một số biện pháp khắc phục nấc cụt phù hợp với người lớn, nhưng không nên thử với trẻ vì nó có thể gây hại cho em bé bị nấc cụt như:
1. Làm cho con giật mình hoặc dọa con
Đừng bao giờ khiến trẻ giật mình hay hù dọa trẻ. Khi bạn bị nấc cụt, một tiếng nổ lớn khiến bạn giật mình có thể giúp hết nấc cụt. Tuy nhiên, điều này lại làm ảnh hưởng màng nhĩ của trẻ sơ sinh, thậm chí còn làm tổn thương cột sống của trẻ.
2. Cho bé ăn bánh kẹo chua
Kẹo chua có thể tác dụng tốt với người lớn trong việc giảm cơn nấc cụt nhưng với trẻ nhỏ thì không. Ngay cả khi con đã hơn 12 tháng tuổi, bạn vẫn không nên cho bé ăn kẹo chua hoặc các loại thực phẩm chua để giảm bớt cơn nấc cụt. Hầu hết các loại kẹo chua có chứa axít không tốt cho sức khỏe của bé.
3. Vỗ vào lưng bé
Các dây chằng trong khung xương của bé vẫn còn mềm nên bất cứ tác động mạnh nào cũng có hại cho bé. Do đó, đừng bao giờ vỗ vào lưng bé để làm giảm nấc cụt.
4. Ấn vào nhãn cầu mắt
Các cơ giúp mắt chuyển động của bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Bé vẫn chưa biết cách tự điều khiển mắt của mình. Do đó, bạn không được ấn vào nhãn cầu của bé dù chỉ ấn nhẹ.
5. Kéo lưỡi hoặc xương của bé
Trẻ sơ sinh còn rất yếu nên bạn không nên kéo xương hay lưỡi để ngăn chặn tình trạng nấc cụt ở bé. Nấc cụt là một phiền toái tạm thời và có thể được giải quyết. Thế nhưng, nếu bé thường xuyên bị nấc cụt, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ.
Khi nào nên đưa con đến gặp bác sĩ?
1. Khi bé bị trào ngược dạ dày thực quản
Nếu con bạn có những cơn nấc kinh niên và luôn ợ hơi ra chất lỏng, đây có thể là triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản thường kèm theo các triệu chứng khác bao gồm: cáu kỉnh, cong lưng và khóc vài phút sau khi ăn. Nếu bé có những dấu hiệu trên, hãy đưa bé đến bác sĩ khám ngay.
2. Bé bị nấc cụt trong khi ngủ hoặc bú
Trẻ sơ sinh có thể nấc cụt một lát, nhưng nếu bé nấc trong khi bú, ngủ hoặc chơi, tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám. Nấc mạn tính sẽ cản trở mọi hoạt động hàng ngày của bé và khiến bé khó chịu.
3. Khi cơn nấc cụt kéo dài nhiều ngày, nhiều giờ
Dù là trẻ lớn hay trẻ sơ sinh đều có thể bị nấc cụt trong vài phút hay vài giờ. Nếu bé vẫn cảm thấy thoải mái khi nấc cụt, bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bé có dấu hiệu bất thường thì điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Lúc này, bạn nên quan sát tình trạng nấc cụt ở trẻ xem trẻ có bị thở khò khè không. Nếu có, bạn nên đưa bé đi khám ngay.
Hy vọng qua bài viết này, bạn biết được nguyên do tại sao bé yêu nấc cụt và có cách xử trí phù hợp.