Nên làm gì khi con bị hóc xương cá để tránh thủng thực quản, áp xe ở cổ?
Nhận biết trẻ bị hóc xương cá
Sau khi cho trẻ ăn cá, nếu trẻ cảm thấy đau khi nuốt/uống bất cứ thứ gì, đứng ngồi không yên, khó chịu, khóc mỗi khi cho ăn. Một số trường hợp trẻ còn bị chảy nước bọt (do không nuốt được vì đau) có thể trẻ đã bị hóc xương cá.
Làm gì khi trẻ bị hóc xương cá?
Trường hợp nhẹ
Khi xác định được trẻ bị hóc xương cá, hãy yêu cầu trẻ há miệng thật to. Nếu có thể nhìn thấy được mảnh xương và chắc chắn có thể lấy ra, hãy thử. Ngoài ra, có thể dùng một số biện pháp như nuốt cơm, ăn kẹo dẻo, nuốt bánh mì khô kèm nước… để “đẩy lui” xương cá. Nếu những cách này không khả thi, trẻ vẫn cảm thấy khó chịu, chảy máu cổ họng cần đưa trẻ đi bác sĩ tai mũi họng để lấy dị vật ra.
Trường hợp nặng
Một số trường hợp bị hóc xương cá sâu hoặc trẻ em không hợp tác để lấy xương cá ra cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay tránh để lâu có thể ảnh hưởng sức khỏe trẻ. Điều này không chỉ khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, khó ăn uống… còn có thể gây thủng thực quản, thậm chí hình thành ổ áp xe ở cổ.
Phòng ngừa bị hóc xương cá cho trẻ như thế nào?
Cá là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe trẻ vì chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ. Do đó, không thể “cắt” cá ra khỏi khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ. Để tránh tình trạng trẻ bị hóc xương cá ba mẹ nên nắm rõ các nguyên tắc dưới đây khi cho trẻ ăn cá:
- Cho trẻ ăn những loại cá nhiều thịt, ít xương
- Bóc xương thật kỹ và kiểm tra lại lần nữa trước khi chế biến/cho trẻ ăn
- Với trẻ lớn, nên dặn dò trẻ thật kỹ khi cho trẻ ăn cá. Tuyệt đối không cho trẻ nhỏ tự ăn cá một mình, cần có sự giám sát của người lớn
- Yêu cầu trẻ nghiêm túc, không cười đùa khi ăn cá
Lưu ý, với những trường hợp trẻ bị đau họng, chảy nước bọt, khó nuốt, khó chịu quấy khóc ba mẹ cũng nên lưu ý, đưa trẻ đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân có phải do bị hóc xương cá không. Bởi có những tình huống hóc xương cá không điển hình chúng ta không thể nhận biết được.
Theo Bệnh viện Tan Tock Seng và Leaf