Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Những ngày gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết đã gia tăng đáng kể trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đây là bệnh mà nguyên nhân do virus gây ra và muỗi vằn chính là vật trung gian truyền bệnh. Không ít người chưa hiểu tường tận về căn bệnh này nên thường băn khoăn không biết bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm hay không.
Sốt xuất huyết là căn bệnh do muỗi lây truyền và xảy ra hầu khắp các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Tại nước ta thì dịch sốt xuất huyết chiếm ưu thế ở khu vực miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh đứng vào nhóm những tỉnh, thành, khu vực có số ca mắc nhiều nhất cả nước.
Chính vì vậy mà việc kiểm soát cũng như có biện pháp ngăn ngừa sốt xuất huyết là vấn đề rất quan trọng. Trong đó, việc nâng cao nhận thức của người dân về bệnh cũng đóng vai trò thiết yếu. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc rằng bệnh sốt xuất huyết là gì và liệu nó có nguy hiểm hay không.
Để biết được bệnh sốt xuất có nguy hiểm hay không cần hiểu rõ bản chất bệnh
Theo dòng lịch sử thì tại miền Nam, dịch sốt xuất huyết được mô tả lần đầu tiên vào năm 1960 với 60 ca tử vong ở trẻ.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính mà cụ thể là do virus gây ra, virus lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua những vết đốt của muỗi vằn là Aedes aegypti và Aedes albopictus (có tỷ lệ thấp hơn) đã nhiễm bệnh.
Ở nước ta, tác nhân chủ yếu là do virus Dengue thuộc họ Flaviviridae có 4 týp khác nhau. Khi bị nhiễm 1 týp bất kỳ thì cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch đáp ứng với týp đó, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể bị mắc các týp còn lại trong tương lai. Cần lưu ý là người từng mắc bệnh sốt xuất huyết khi bị nhiễm bệnh lần nữa thường có xu hướng nặng hơn.
Hai loại muỗi vằn trên cũng là “thủ phạm” truyền nhiễm bệnh sốt Chikungunya, sốt vàng và bệnh Zika. Loại muỗi vằn này thường hoạt động mạnh vào lúc sáng sớm và chiều tối khi trời chạng vạng. Chúng sinh sống ở những vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm hoặc ở những chỗ có ao tù nước đọng, nước dư thừa ở đáy như các dụng cụ chứa nước.
Bệnh này xảy ra quanh năm và thường có xu hướng gia tăng vào mùa mưa. Bất kể là người lớn và trẻ em đều là đối tượng có thể mắc bệnh.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM, chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có khoảng trên 6.000 ca mắc sốt xuất huyết, con số này tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước.
Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Trước đây, sốt xuất huyết là một ệnh truyền nhiễm lành tính liên quan đến muỗi và ít xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, căn bệnh này được xem là bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Ở thời điểm hiện tại, bệnh bùng phát trên diện rộng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em, thậm chí gây tử vong.
1. Những dấu hiệu sốt xuất huyết dễ nhận biết
Nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời thì sốt xuất huyết sẽ thực sự rất nguy hiểm với các diễn biến sau:
Trong 2 – 7 ngày đầu sau khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như thân nhiệt hạ xuống, thậm chí có khi còn 36 độ C. Ngoài ra, người bệnh còn có tình trạng tăng tính thấm thành mạch, số lượng bạch cầu của bệnh nhân giảm, sau đó là tiểu cầu rồi đến huyết tương. Mất huyết tương nặng còn gây ra các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, màng bụng hoặc dẫn đến sốc với biểu hiện là mạch nhỏ khó bắt, hạ huyết áp, tê lạnh đầu ngón chân, ngón tay, tiểu ít.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể có tình trạng xuất huyết như sau:
- Các xuất huyết xuất hiện trên da dưới dạng chấm xuất huyết
- Xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu chân răng
- Các xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não rất nguy hiểm.
2. Những biến chứng nguy hiểm khác của sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm hay không còn được thể hiện qua những biến chứng dưới dây:
Ảnh hưởng đến mắt: Sốt xuất huyết có thể làm tổn thương các võng mạc ở mắt dẫn đến tình trạng giảm thị lực. Ngoài ra, người bệnh còn gặp nguy cơ tăng chất nhầy dịch kính làm che tầm nhìn, nặng hơn có thể dẫn đến mù lòa.
Hôn mê: Tình trạng tràn dịch khiến các dịch huyết ứ đọng gây phù não và nhiều vấn đề thần kinh khác. Bệnh nhân khi bị sốc, mất máu hoặc suy gan, thận cũng có thể dẫn đến hôn mê. Đây được cảnh báo là những biến chứng nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết.
Suy tim, suy thận: Tình trạng tim, thận bị suy là hệ quả của việc bệnh nhân bị chảy máu quá nhiều. Tim không được cung cấp đủ máu để hoạt động dẫn đến suy tim, hơn nữa màng tim bị ứ đọng do hiện tượng xuất huyết khiến tràn dịch màng tim. Thận bị ảnh hưởng do làm việc quá tải để thực hiện chức năng bài tiết huyết tương cũng như các chất độc hại khác qua đường nước tiểu. Việc quá tải trong một thời gian dài sẽ dẫn đến suy thận.
Hạ huyết áp đột ngột: Sốt xuất huyết sẽ làm bệnh nhân bị hạ huyết áp xuống thấp hơn bình thường kèm theo các triệu chứng khác như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Biến chứng này cũng có thể dẫn đến xuất huyết não gây tử vong rất nguy hiểm.
Sẩy thai, sinh non: Phụ nữ mang thai khi mắc bệnh nào cũng đều khó điều trị bởi việc hạn chế dùng thuốc nhằm tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, đối với thai phụ, bệnh sốt xuất huyết cực kỳ nguy hiểm. Với các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết thì bệnh nhân sẽ bị tăng thân nhiệt, nhịp tim của thai nhi cũng tăng nhanh hơn dễ gây hại cho đứa trẻ trong bụng.
Sau khi mắc bệnh 1 tuần, mẹ bầu lại có nguy cơ giảm tiểu cầu, chảy máu nhiều, đáng sợ hơn có thể bị sẩy thai nếu mẹ đang mang thai tháng đầu tiên. Do vậy, phụ nữ cần thận trọng trong việc chăm sóc sức khỏe khi có thai để tránh ảnh hưởng tới mẹ và bé.
Cách phòng tránh biến chứng của bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết là một căn bệnh lây nhiễm thực sự nguy hiểm không chỉ ở các dấu hiệu phức tạp mà còn ở các biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Hãy thực hiện các biện pháp sau đây để phòng ngừa biến chứng do sốt xuất huyết ở người bệnh:
Những việc nên làm
Để người bệnh nghỉ ngơi tuyệt đối nơi thoáng mát, tránh ra mưa, ra nắng. Việc nhiễm bệnh sốt xuất huyết sẽ làm cho máu của người bệnh bị cô đặc lại rất khó lưu thông nên bệnh nhân cần phải bổ sung nhiều nước. Ngoài ra, sốt cũng khiến cơ thể bị mất nước nhiều nên việc bù nước cũng rất cấp thiết.
Để bổ sung nước, người bệnh có thể dùng oresol (cũng hay gặp ở các trường hợp tiêu chảy) hoặc dùng nước trái cây để thay thế như cam, chanh hay đơn giản chỉ dùng nước đun sôi để nguội.
Về dinh dưỡng: Bệnh nhân cần chọn các loại thực phẩm lỏng, dễ tiêu như cháo hoặc súp, không nên ăn nhiều một lúc mà chia thành nhiều bữa nhỏ khác nhau.
Về thuốc điều trị: Người bệnh nên sử dụng các loại do bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không được tự ý mua hay sử dụng aspirin vì dễ làm tăng nguy cơ chảy máu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng không nên dùng kháng sinh bởi trong trường hợp này kháng sinh không có tác dụng trên virus.
Khi bị sốt, người bệnh cũng có thể áp dụng các biện pháp làm mát khác như lau mát, sử dụng các loại quần áo rộng, mỏng… mặc để cơ thể dễ thoát nhiệt.
Những việc không nên làm
Không nên áp dụng thói quen cạo gió, cắt lể để tránh gây chảy máu, làm nhiễm khuẩn. Cũng không nên tự ý truyền dịch vì nếu truyền không đúng, bệnh sẽ trở nặng hơn hoặc thậm chí còn gây phù nề, suy tim rất nguy hiểm.
Trên đây là những giải đáp thắc mắc bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm hay không. Hy vọng chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đắn về bệnh, cũng như có thêm kinh nghiệm trong việc chăm sóc và điều trị hiệu quả nhất.