Tại sao trẻ lại biếng ăn?
Trẻ biếng ăn là vấn đề khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu. Theo các chuyên gia nhi khoa, không có công thức nào đúng với các trẻ. Chỉ khi tìm được đúng nguyên nhân, cha mẹ mới có thể khắc phục thành công chứng biếng ăn của con.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chỉ ra những sai lầm cha mẹ cần bỏ để khắc phục tình trạng biếng ăn của con.
Quá nhiều thời gian cho thiết bị thông minh
Với cách nuôi dạy con cái thời nay, tranh cãi về việc cho phép con trẻ sử dụng thiết bị điện tử chưa bao giờ hạ nhiệt. Một số trẻ 2-3 tuổi trở lên, không còn trong giai đoạn bú mẹ, dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, tivi. Thời gian xem nhiều có thể khiến trẻ mất cảm giác thèm ăn uống.
Bên cạnh đó, không ít cha mẹ áp dụng “chiêu” vừa ăn, vừa xem điện thoại để bé ăn nhanh và nhiều hơn. Khi vừa ăn, vừa xem, trẻ sẽ như một cái máy chỉ biết há miệng và nuốt thức ăn, không biết món đó có ngon hay không. Như vậy, việc hấp thu, tiêu hóa sẽ gặp vấn đề, dù trẻ ăn được nhiều nhưng vẫn suy dinh dưỡng, thậm chí mắc bệnh dạ dày.
Ép trẻ ăn bằng mọi giá
Sự phát triển thể chất của bé 1-2 tuổi chậm hơn giai đoạn dưới một tuổi, trung bình bé tăng 2,4 kg/năm. Cha mẹ ép ăn trong giai đoạn này sẽ làm bé biếng ăn kéo dài đến 3-4 tuổi hoặc lâu hơn.
Với các bé tăng trưởng tốt, bé biếng ăn vài ngày là hiện tượng bình thường. Hiện nay, nhiều cha mẹ lo lắng thái quá về tình trạng ăn uống của bé, ép con ăn bằng mọi giá, con đã no nhưng vẫn bắt ăn thêm. Cách làm này hoàn toàn sai lầm, có thể khiến bé sợ hãi mỗi khi tới giờ ăn.
Dùng quá nhiều loại thực phẩm trong một bữa
Với trẻ đang tập ăn, đặc biệt tuổi nhũ nhi, cha mẹ Việt thường có cách chế biến trộn nhiều loại thực phẩm thành một hỗn hợp, sau đó xay nhuyễn, tạo hương vị rất khó ăn. Trẻ trong giai đoạn này cần thích nghi dần với từng loại thực phẩm, cha mẹ lại cho dùng món thập cẩm khiến trẻ không cảm nhận được mùi vị, kém hấp dẫn, dẫn đến biếng ăn.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng
Thiếu hụt vi chất như sắt, kẽm là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng chán ăn ở trẻ. Trẻ thiếu sắt khá phổ biến ở nước ta, biểu hiện là da hơi xanh, niêm mạc, môi, vành mắt nhợt nhạt. Trẻ lớn có thể thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt còn trẻ nhỏ không chịu chơi, quấy khóc kéo dài. Trẻ bị thiếu máu kéo dài thường kém ăn, ăn không ngon, thậm chí gây chậm phát triển trí tuệ và thể lực.
Cha mẹ có thể nhận biết trẻ thiếu kẽm nếu thấy bé chậm phát triển hoặc ăn không ngon miệng, tiêu chảy, rụng tóc, viêm da, móng tay có đốm, rối loạn giấc ngủ hoặc dễ nhiễm cúm do suy giảm miễn dịch… Nếu bé xuất hiện những dấu hiệu này, mẹ nên đưa đi thăm khám để đo nồng độ kẽm huyết thanh và tìm nguyên nhân.
Ăn quá nhiều rau, ít hoa quả
Nhiều cha mẹ quan niệm trong thực đơn hàng ngày của trẻ phải ăn nhiều rau. Tuy nhiên, đa số mẹ Việt đều mắc sai lầm trong cách chế biến loại thực phẩm này trong bữa ăn của trẻ. Với tâm lý trẻ nên dùng thức ăn mềm, phụ huynh thường xào, nấu nhừ khiến rau mất chất dinh dưỡng, chỉ còn chất xơ.
Ăn một lượng rau vừa phải sẽ thúc đẩy nhu động đường ruột và đi tiêu. Tuy nhiên, ăn quá nhiều có thể dẫn đến chứng khó tiêu. Trẻ ăn quá nhiều rau sẽ gây cản trở sự hấp thu canxi và kẽm trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh và xương.
Bên cạnh đó, thói quen của người Việt cũng ít ăn hoa quả, uống nước ép – nguồn cung cấp vitamin C, B tự nhiên dồi dào. Lười ăn hoa quả cũng là một trong những nguyên nhân ít ai ngờ gây biếng ăn ở trẻ. Nếu thiếu vitamin C sẽ dẫn đến hiện tượng lợi sưng, dễ chảy máu, vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, dễ ốm vặt. Trẻ hay mệt mỏi khi hoạt động. Thiếu vitamin B sẽ dẫn đến phù nề, dễ mọc mụn nhiệt quanh vòm miệng, da tay chân nóng và dễ viêm, dễ rối loạn tiêu hóa, hay nôn, chán ăn, tinh thần không phấn chấn.
Cha mẹ nên thay đổi chế độ sinh hoạt, cách chế biến thức ăn, thói quen ăn uống cho trẻ trước khi quyết định dùng thuốc. Nếu trẻ biếng ăn nhưng không sụt cân, các chỉ số đều đảm bảo sẽ không đáng lo. Bạn hãy để đứa trẻ ăn uống tự nhiên theo nhu cầu.