Vắc xin ngừa bệnh sởi, quai bị, rubella có an toàn không?
Tiêm vắc xin MMR là một trong những cách tốt nhất giúp trẻ phòng tránh được 3 căn bệnh quái ác: sởi, quai bị và rubella nhưng không phải tất cả mọi người đều có thể tiêm loại vắc xin này. Vậy, con bạn có phù hợp để tiêm vắc xin MMR hay không? Liệu trẻ có chịu ảnh hưởng gì khi tiêm MMR hay không?
Bệnh sởi, quai bị và rubella là gì?
Sởi, quai bị và rubella là những căn bệnh nghiêm trọng do virus gây ra.
Bệnh sởi
Những người bị bệnh sởi ban đầu thường có triệu chứng như sốt, ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc (hồng hào) và xuất hiện những vết đỏ rõ rệt trên mặt, sau đó lan ra toàn bộ cơ thể. Nếu virus lây nhiễm vào phổi sẽ gây ra viêm phổi. Sởi ở trẻ lớn hơn có thể dẫn đến viêm não, động kinh và tổn thương não.
Bệnh quai bị
Virus bệnh quai bị thường gây sưng tấy ở các tuyến nhỏ ngay dưới tai, làm cho vùng da hai bên má sưng lên. Trước khi có vắc xin phòng bệnh, quai bị là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm màng não và viêm tủy sống.
Ở nam giới, quai bị có thể nhiễm vào tinh hoàn và dẫn tới vô sinh.
Bệnh rubella
Bệnh rubella còn được gọi là bệnh sởi Đức. Căn bệnh này có thể gây ra phát ban nhẹ trên mặt, sưng các tuyến sau tai và đôi khi là sưng các khớp nhỏ và sốt nhẹ. Hầu hết trẻ em đều hồi phục nhanh chóng và bệnh không kéo dài.
Tuy nhiên, nếu bạn bị rubella khi đang mang thai, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi. Nếu bạn bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ, ít nhất 20% em bé sẽ có khuyết tật khi sinh như mù, điếc, đau tim hoặc chậm phát triển trí tuệ.
Ai nên và không nên chủng ngừa vắc xin MMR?
MMR là loại vắc xin cần tiêm 2 lần cho trẻ khi con bạn còn nhỏ. Trẻ nên được tiêm mũi vắc xin đầu tiên trong khoảng thời gian 12–15 tháng tuổi và lần thứ hai khi bé được 4–6 tuổi.
Bạn có thể chủng ngừa vắc xin MMR khi ở tuổi trưởng thành. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu:
- Bạn làm việc trong một cơ sở y tế;
- Bạn đang có kế hoạch hoặc dự định có thai.
Bạn không nên tiêm vắc xin MMR nếu:
- Có phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm mũi MMR đầu tiên;
- Dị ứng với gelatin hoặc neomycin;
- Bạn đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai trong vòng 4 tuần tới. (Vắc xin này an toàn nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ);
- Hệ thống miễn dịch của bạn yếu vì sử dụng thuốc trị ung thư, corticosteroid hoặc bạn bị AIDS.
Trẻ có thể gặp những tác dụng phụ nào khi chủng ngừa MMR?
Hầu hết những người được tiêm vắc xin MMR không có phản ứng phụ. Một số bị sốt hoặc đau nhức nhẹ và đỏ nơi tiêm.
Các vấn đề khác có thể xảy ra ít gặp hơn, bao gồm:
- Sốt (tỷ lệ mắc bệnh 1/5 trẻ em);
- Phát ban (tỷ lệ mắc bệnh 1/20 trẻ em);
- Các tuyến bị sưng (1/7 trẻ);
- Động kinh (1/3.000 trẻ);
- Đau khớp, cứng khớp (1/100 trẻ, phổ biến hơn ở người lớn, đặc biệt là phụ nữ);
- Số lượng tiểu cầu giảm/chảy máu (1/30.000 trẻ);
- Viêm não (1/1 triệu trẻ).
Trong những năm qua, một số người cho rằng vắc xin MMR có liên quan tới rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh khẳng định chắc chắn rằng không có chuyện đó xảy ra. Những lợi ích mà vắc xin mang lại trong việc phòng ngừa bệnh tật vượt trội hơn bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào. Do đó, bạn không cần quá lo ngại khi tiêm vắc xin MMR.